Nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26-4: Hướng đến một tương lai xanh
Xã hội - Ngày đăng : 07:09, 25/04/2020
Nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26-4, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội xung quanh vấn đề này.
- Xin ông cho biết ý nghĩa của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới và chủ đề Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay là gì?
- Từ năm 2000, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã lấy ngày 26-4 hằng năm là Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (IP Day) nhằm tri ân, tôn vinh các nhà sáng tạo, đồng thời truyền thông nâng cao nhận thức về vai trò của sở hữu trí tuệ trong cuộc sống hằng ngày. Từ đó, IP Day trở thành ngày mà mọi người trên thế giới cùng nhau tìm hiểu và cổ vũ cho những đóng góp của sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển chung của toàn nhân loại, vì cuộc sống con người.
Năm nay, thông điệp của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới là “Đổi mới sáng tạo - vì một tương lai xanh”. Đây là một khởi đầu cho “lộ trình xanh”, hướng tới chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường - một yêu cầu cấp bách hiện nay. Lựa chọn chủ đề “Đổi mới sáng tạo - vì một tương lai xanh”, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới muốn tôn vinh các nhà sáng chế và sáng tạo đã nỗ lực tạo ra công nghệ sạch cho tương lai. Đồng thời, tôn vinh những người sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ để hỗ trợ hoạt động của các nhà sáng chế, sáng tạo.
- Thưa ông, việc quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ theo hướng bền vững, hướng đến một tương lai xanh đã được thành phố Hà Nội chú trọng triển khai như thế nào?
- Tạo dựng được một hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ mạnh và hoàn thiện, đó là một nhân tố không thể thiếu trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển và phổ biến các công nghệ thân thiện với môi trường, góp phần xây dựng một xã hội bền vững. Các doanh nghiệp dựa trên các nguyên tắc bền vững về môi trường sẽ cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường; các làng nghề không chỉ tập trung vào sản xuất, kinh doanh mà phải đầu tư xây dựng hệ thống bảo vệ môi trường, xử lý chất thải… Người nông dân được khuyến khích sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm an ninh lương thực và người dân thực hiện lối sống thông minh, tiêu thụ có ý thức, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước... để cùng nhau góp phần bảo vệ trái đất.
Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện nghiên cứu và ứng dụng nhiều đề tài, dự án, góp phần bảo vệ môi trường, như tấm tường bê tông nhẹ là một loại vật liệu mới thân thiện môi trường thay thế cho gạch nung truyền thống thường gây ra ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất và tổn thất tài nguyên thiên nhiên đất; rồi túi ni lông tự hủy đã đem đến sự an toàn trong sử dụng và không gây ô nhiễm môi trường... Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội đã từng bước đẩy mạnh việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới trong xử lý môi trường như công nghệ đốt rác phát điện.
Hiện tại, Hà Nội có hơn 1.000 làng có nghề và hơn 300 làng nghề được công nhận, sản phẩm làng nghề rất phong phú và có tính đặc thù. Bên cạnh đó, Hà Nội là địa phương của nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản được biết đến nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác đặc trưng của người dân. Đây là nguồn tài sản trí tuệ cần được bảo hộ và phát triển bền vững. Những năm vừa qua, Hà Nội đã triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, trong đó đã hỗ trợ xây dựng và bảo hộ hơn 100 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc thù của địa phương.
Cùng với đó, thành phố Hà Nội luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường làng nghề, không vì lợi nhuận mà đánh đổi môi trường; chú trọng tuyên truyền, áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để có quy trình sản xuất xanh - sạch, ứng dụng các công nghệ xử lý môi trường tiên tiến để bảo vệ môi trường làng nghề, góp phần hướng đến một tương lai xanh.
- Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã có những hoạt động gì để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo?
- Các sự kiện “Ngày Sở hữu trí tuệ” hằng năm đã góp phần nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ của cộng đồng, xã hội; đồng thời, tạo động lực cho sự sáng tạo của các cá nhân và tổ chức, thông qua đó thúc đẩy sự phát triển khoa học, công nghệ, ứng dụng, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Năm 2018 là năm đầu tiên thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới, thu hút hơn 1.000 người tham dự tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Năm 2019, thành phố Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới với nhiều hoạt động sôi nổi, thu hút hơn 700 người tham gia.
Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã và đang triển khai các hoạt động tuyên truyền, chào mừng sự kiện này trên các kênh truyền thông, báo chí, đài truyền hình… Qua đó, thông điệp “Đổi mới sáng tạo - vì tương lai xanh” sẽ lan tỏa tới tất cả các nhóm chủ thể để cùng phát huy trí tuệ, chung sức vượt qua những khó khăn, cùng hướng tới một tương lai xanh.
- Trân trọng cảm ơn ông!