Xây dựng môi trường giao thông an toàn
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:13, 25/04/2020
Song, nếu xét trên bình diện chung thì công tác này vẫn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, trong thời gian thực hiện cách ly xã hội (từ ngày 1 đến 22-4) trên địa bàn thành phố có tới hơn 400 lái xe vượt đèn đỏ; 205 xe tải vi phạm quy định về an toàn giao thông... Vì thế, Công an thành phố Hà Nội đã phải thành lập các tổ công tác liên ngành lưu động, duy trì lực lượng các tổ công tác 141, tăng cường tuần tra để xử lý nghiêm các vi phạm về giao thông, nhất là xử phạt vi phạm quy định về nồng độ cồn, kết hợp với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19...
Trong bối cảnh Hà Nội thực hiện nới lỏng cách ly xã hội từ 0h ngày 23-4, dự báo mật độ phương tiện giao thông tăng cao khi người lao động, sinh viên... tham gia giao thông trở lại. Điều này sẽ tạo áp lực lớn lên hệ thống giao thông thành phố. Vì thế, để vừa bảo đảm trật tự an toàn giao thông vừa chống dịch hiệu quả rất cần sự chung tay, nỗ lực hơn nữa của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cũng như mỗi người dân.
Trước hết, cần thực hiện nghiêm Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 437/TTg-CN về việc triển khai nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý II-2020; và mới nhất là Công điện 480/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5-2020.
Về phía các ngành chức năng, cần triển khai hiệu quả Văn bản số 1402/UBND-ĐT của UBND thành phố Hà Nội về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong quý II-2020. Trong đó, tiếp tục phát huy hơn nữa hiệu quả của tổ công tác lưu động, duy trì lực lượng 24/24 giờ để xử lý vi phạm trật tự giao thông, nhất là vi phạm quy định về nồng độ cồn; xử lý nghiêm các vi phạm thông qua hệ thống camera. Cần kết hợp bảo đảm trật tự an toàn giao thông với duy trì thực hiện giãn cách xã hội tại các nút giao bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.
Tiếp đó là đẩy mạnh xây dựng môi trường tham gia giao thông lành mạnh, an toàn; dần hình thành văn hóa giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên. Muốn vậy, cần chú trọng làm tốt công tác truyền thông, tập trung tuyên truyền, phổ biến các chỉ đạo, giải pháp về tham gia giao thông an toàn trong điều kiện dịch Covid-19; cung cấp đầy đủ hệ thống kiến thức an toàn giao thông, qua đó hình thành ý thức tự giác chấp hành quy định pháp luật về giao thông; tăng cường xử lý nghiêm vi phạm, tránh để xảy ra tình trạng "nhờn" luật.
Để làm được điều này, đòi hỏi sự quan tâm sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp ở mỗi địa phương. Trong đó, việc gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với công tác an toàn giao thông phải đi vào thực chất, hiệu quả, nhất là ở những nơi trật tự an toàn giao thông còn phức tạp… Về phía người dân khi tham gia giao thông, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tuân thủ luật pháp để bảo vệ chính mình và cho những người xung quanh.
Trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19”, với sự chung tay, đồng lòng của các cấp chính quyền và người dân, thành phố đã khống chế, không để dịch lây lan trong cộng đồng. Tiếp tục phát huy được sức mạnh này, chúng ta sẽ sớm xây dựng được môi trường giao thông an toàn, lành mạnh; để an toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà.