Hun đúc tình yêu đất nước cho tuổi thơ
Văn hóa - Ngày đăng : 13:52, 25/04/2020
Khúc hát sáng bừng tuổi thơ
Đã bao nhiêu năm trôi qua, vậy mà cứ mỗi khi tháng 4 về, trong tôi lại vang lên những câu hát quen thuộc: “Thành phố mười mùa hoa, cây mười mùa thay lá, hoa mười mùa đậu quả, rộn ràng tiếng chim ca...”.
Tròn 10 năm sau sự kiện 30-4-1975, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác ca khúc Thành phố mười mùa hoa (thơ Lệ Bình). Khi ca khúc ra đời, chúng tôi, những đứa trẻ 9-10 tuổi, đón đợi sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam và học cho bằng được bài hát này. Cứ thế, những ca từ ấy cùng giai điệu rộn ràng thực sự là cả một trời tuổi thơ của lứa 7x chúng tôi.
Không phải công dân của thành phố mang tên Bác nhưng tôi cũng như nhiều bạn bè cùng trang lứa trên khắp đất nước giai đoạn ấy đều say mê Thành phố mười mùa hoa. Không chỉ bởi ca khúc nhắc tới một sự kiện lớn của đất nước, một niềm vui, niềm hạnh phúc ấm áp ngập tràn của tất cả mọi người, cũng không chỉ bởi tiết tấu âm nhạc rộn ràng mà có lẽ còn bởi cách dùng hình tượng quá đẹp: Mùa xuân. Những câu hát cất lên như chính niềm khát khao, niềm hạnh phúc riêng tư hòa chung niềm hân hoan của đất nước: “Thành phố mười mùa hoa, én mười mùa chao liệng, cánh mai vàng xao xuyến, cho bình minh tiếng ca”.
Thú thực, tôi cũng không chắc chắn nhạc sĩ Phạm Tuyên có sáng tác Thành phố mười mùa hoa dành riêng cho tuổi thơ hay không. Và dù sống chung một thành phố với vị nhạc sĩ tài ba, thậm chí đã có một vài lần ghé qua nhà ông để hỏi chuyện về sáng tác âm nhạc của ông, nhưng tôi chưa một lần hỏi ông về điều này. Chỉ cần ghi nhận rằng tuổi thơ của nhiều thập niên qua trong hành trang cuộc đời có Thành phố mười mùa hoa, thế là đủ.
Bài ca Bắc - Nam sum họp
Trong kho tàng hàng trăm tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhạc sĩ Phong Nhã có một tác phẩm đặc biệt, ghi lại thời khắc mừng đất nước thống nhất, thiếu nhi Bắc - Nam sum họp một nhà, đó là Bài ca sum họp. Với một nhạc sĩ gắn liền với tuổi thơ như Phong Nhã thì những ca từ bật trào thật đáng yêu, ví tuổi thơ cả nước như những bầy chim xinh cùng cất tiếng hót vui mừng và cùng bay về thành phố phương Nam để gặp bạn bè của mình.
“Đây những bầy chim xinh, tung cánh bay về thành phố Hồ Chí Minh, thăm các bạn mến thân”. Điều tưởng chừng như thật đơn giản bởi những bầy chim “Cùng chung một tổ ấm, cùng là đàn chim Việt” nhưng đã có cả một giai đoạn trường kỳ bị cách ngăn. Và để có được Bài ca sum họp dành cho những bầy chim xinh ấy là bởi “Tổ quốc đã chắp cánh, cho chúng em bay xa, cho chúng em bay khỏe. Nắm tay cười bay mái tóc, bạn ơi lòng ước ao, thỏa nỗi lòng khát khao”.
Tháng 8-1981, ca khúc Bài ca sum họp đã được thiếu nhi cả nước hát vang trong Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội.
Còn nhiều và cần thêm nhiều
Bên cạnh hai ca khúc nổi tiếng kể trên, còn nhiều ca khúc cũng được yêu thích không kém. Sau ngày 30-4-1975 không lâu, một nhóm nhạc sĩ sáng tác cho thiếu nhi ở Hà Nội như Phong Nhã, Mộng Lân, Văn Dung, Xuân Giao... đã có chuyến đi thực tế tại thành phố Hồ Chí Minh.
Sau dịp đó, nhiều bài hát cho thiếu niên, nhi đồng ra đời như: Là măng non thành phố Hồ Chí Minh của nhạc sĩ Xuân Giao, Bay cao tiếng hát ước mơ của nhạc sĩ Nguyễn Nam, Trọn niềm kính yêu của nhạc sĩ Lê Vinh Phúc...
Dẫu các ca khúc về đề tài mừng đất nước thống nhất phù hợp với tuổi thơ đã có bề dày hơn nửa thế kỷ và vẫn luôn được bồi đắp bằng những sáng tác mới, nhưng so với số bài hát dành cho lứa tuổi khác thì vẫn còn rất ít.
Trong giai đoạn hiện nay, việc bổ sung nhiều bài hát hay, trong đó có những bài mang chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước thống nhất, cuộc sống hạnh phúc yên vui trong hòa bình, phù hợp với tuổi thơ là điều cần thiết. Điều đó góp phần làm đẹp thêm tâm hồn các em, hun đúc tình yêu và trách nhiệm với quê hương, đất nước của mỗi công dân ngay từ những năm tháng tuổi thơ.