5 mẹo hay cho những ứng viên mắc chứng ''sợ'' phỏng vấn xin việc

Sản phẩm dịch vụ - Ngày đăng : 11:41, 28/04/2020

Sự lo lắng trước khi phỏng vấn xin việc có thể làm hiệu quả giao tiếp của bạn kém đi khi trao đổi với nhà tuyển dụng. Điều này làm bạn mất điểm, thậm chí là dễ bị đánh trượt dù năng lực của bạn có tốt đến thế nào. Chứng sợ phỏng vấn rất phổ biến ở nhiều ứng viên, nó có thể xuất phát từ nỗi sợ nói trước công chúng nhưng có thể bị khắc chế bởi những cách sau.

Chia sẻ với nhà tuyển dụng

Dù bạn đang phỏng vấn tìm việc làm IT, kế toán hay marketing thì nỗi sợ phỏng vấn đều xuất phát từ việc sợ bị đánh giá, không giống như mong đợi của người phỏng vấn, hoặc thậm chí là những gì bản thân kỳ vọng. Sau mỗi buổi phỏng vấn thực tế và thậm chí là các cuộc phỏng vấn giả với bạn bè của bạn, hãy ghi lại những điểm khiến bạn “run bắn” lên khi được nhắc tới. Đó là những điểm cần chuẩn bị trước cho cuộc phỏng vấn tiếp theo.

Mặc dù vậy, một số người trở nên bối rối khi họ bị hỏi những điều mà họ không lường trước được. Đó là điều bình thường! Hãy thử chia sẻ thẳng thắn với nhà tuyển dụng rằng bạn cần một chút thời gian để suy nghĩ thay vì vừa nghĩ vừa nói khiến bạn trở nên ấp úng.

Thả lỏng cơ thể, đặc biệt là các khớp tay và chân

Với những ứng viên mắc chứng “sợ” phỏng vấn xin việc, cơ thể họ thường căng cứng ngay khi bước vào công ty. Nhiều người nắm chặt tay đến nỗi tay họ đầy mồ hôi mà không biết và điều này thường diễn ra trong vô thức.

Mẹo giúp bạn bớt lo sợ trong tình huống này là chú ý thả lỏng cơ bắp và khớp xương của mình. Đây là chiến thuật tâm lý rất hữu hiệu khắc phục trạng thái căng thẳng hoặc quá hồi hộp.

Bạn nên chọn một tư thế ngồi thoải mái mà không khiếm nhã, thả lỏng cơ thể và hít thở sâu khi cảm thấy nỗi sợ bắt đầu làm bạn phân tâm. Cách này rất hữu hiệu vào lúc bạn đang trả lời câu hỏi phỏng vấn.

Tránh nhìn thẳng vào mắt người phỏng vấn

Rất nhiều người cảm thấy nhà tuyển dụng đang tìm cách đọc vị cảm xúc và suy nghĩ của họ khi bị “chiếu tướng” trong buổi phỏng vấn xin việc. Điều này làm cho nỗi sợ phỏng vấn càng nghiêm trọng hơn.

Mẹo để tránh cảm thấy căng thẳng khi ngồi đối diện người phỏng vấn là bạn đừng nhìn thẳng vào mắt họ. Tuy nhiên, bạn cũng không nên né tránh ánh mắt của họ bằng việc cúi gằm mặt hay đánh mắt liên tục. Những động tác ấy sẽ khiến nhà tuyển dụng khó chịu và mất thiện cảm về bạn.

Bạn có thể lấy một điểm gần mắt của nhà tuyển dụng như giữa hai lông mày hoặc chớp mắt nhẹ lúc bạn cảm thấy bất an khi phải nhìn thẳng vào họ.  

Nói chậm rãi, ngắn gọn và rõ ràng

Ngay cả chính bạn cũng không thể biết mình đang nói gì khi nói như “bắn liên thanh”, chứ đừng nói đến nhà tuyển dụng. Bạn chỉ có thể truyền đạt rõ ràng thông tin của bạn khi bạn nói chậm rãi và rõ ràng. Nếu muốn thông điệp của bạn được truyền đạt hiệu quả, bạn cần học cách nói từ từ. Nó tạo cơ hội cho bạn giải thích lại bất cứ sự hiểu lầm nào từ nhà tuyển dụng cũng như làm cho chính bạn bình tĩnh hơn.

Tuy nhiên, cũng cần tránh trình bày vòng vo hay ậm ừ câu giờ, nó thể hiện sự mất tự tin ở bạn và khiến nhà tuyển dụng khó chịu khi phải nắm trọng điểm trong câu chuyện dài lê thê của bạn.

Bạn nên nói vừa đủ nghe với tốc độ nói vừa phải, câu trả lời cần ngắn gọn đúng trọng tâm vấn đề. Qua cách trả lời như vậy, nhà tuyển dụng có thể có nhiều thiện cảm hơn để đánh giá tác phong và sự phản ứng nhanh nhạy của bạn.

Học cách thể hiện sự vui vẻ trên nét mặt và cử chỉ

Nụ cười luôn là hành động hiệu quả để “chiếm” được tình cảm của người đối diện. Nó khiến không khí buổi phỏng vấn bớt căng thẳng hơn và che giấu được nỗi sợ hãi của bạn khỏi con mắt của nhà tuyển dụng.

Việc mỉm cười sẽ giúp thư giãn các cơ đang căng lên trên khuôn mặt của bạn. Vì vậy, hãy mỉm cười nhẹ khi nói đến những điều mà bạn cảm thấy tự tin hoặc khi đang lắng nghe người phỏng vấn nói. Tuy nhiên, hãy giữ thái độ nghiêm túc và tập trung, bởi nếu như bạn thể hiện quá đà thì điều đó có thể sẽ phản tác dụng.

Chứng “sợ” phỏng vấn xin việc ở ứng viên là hoàn toàn bình thường. Bạn đang đặt mình vào một vị trí để được đánh giá và lựa chọn, và bạn cũng không biết rằng mình sẽ gặp điều gì tiếp theo. Tuy nhiên, bình tĩnh và tự tin vào chính bản thân mình là chìa khóa giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi phỏng vấn này. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc trấn áp nỗi sợ trào dâng trong bản thân, hãy xin một phút để suy nghĩ trước khi trả lời, không có nhà tuyển dụng nào lại chê cười sự thành khẩn ấy.

Pha Lê