Nếu không phát sinh ca nhiễm mới, Hà Nội đề xuất xuống nhóm "nguy cơ thấp"
Đời sống - Ngày đăng : 16:09, 28/04/2020
Hà Nội tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh
Tại điểm cầu thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Ngô Văn Quý phát biểu khẳng định, trong tuần qua, Hà Nội đã triển khai nghiêm các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, đối với hai huyện Mê Linh và Thường Tín tiếp tục thực hiện nghiêm việc cách ly theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đối với các quận, huyện, thị xã còn lại thuộc diện "có nguy cơ" thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng.
Từ thực tế triển khai các chỉ đạo của Trung ương và thành phố, Hà Nội tiếp tục kiểm soát tốt dịch. 13 ngày qua (tính từ ngày 15-4), Hà Nội không ghi nhận thêm ca nhiễm mới, tổng số ca mắc vẫn dừng ở con số 112 người, cách ly tập trung chỉ còn 412 người, cách ly tại cộng đồng còn hơn 4.000 người. Thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo quy định, đồng thời tiếp tục rà soát cơ sở vật chất cho công tác phòng, chống dịch theo hướng tiết kiệm, chủ động khi có tình huống xảy ra.
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố kiến nghị, đến thời điểm các ổ dịch kết thúc việc cách ly mà thành phố không có ca nhiễm mới, đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia cho Hà Nội xuống nhóm "nguy cơ thấp" để tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Về việc thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 của Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết, ngay sau khi có Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng, thành phố đã triển khai rà soát được hơn 1,4 triệu người thuộc đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP, dự kiến kinh phí khoảng 3.520 tỷ đồng.
Dự kiến trong chiều nay (28-4), thành phố Hà Nội sẽ ban hành quyết định triển khai cho 4 đối tượng: Người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo và cận nghèo. Các đối tượng này sẽ được nhận hỗ trợ trước ngày 30-4-2020.
Dự kiến ban hành quy chế thi đại học trước ngày 10-5
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, đến ngày 20-4 đã có 2 tỉnh, thành phố tiên phong đưa học sinh quay trở lại trường học là Thái Bình và Cà Mau. Từ ngày 20 đến ngày 25-4 có 8 tỉnh; đến ngày 28-4 có 38 tỉnh, thành phố đưa học sinh đi học trở lại. Hiện nay, đã có 60 tỉnh, thành phố có quyết định cho học sinh đi học trở lại vào ngày 4-5, còn lại 3 tỉnh, thành phố sẽ có quyết định vào chiều nay, theo tinh thần đến ngày 4-5 sẽ cho học sinh đi học trở lại.
Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện những biện pháp an toàn trong trường học. Hiện nay, 38 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trở lại đều thực hiện nghiêm các Chỉ thị 15/CT-TTg, 16/CT-TTg và 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, như: Thực hiện giãn cách, bảo đảm an toàn cho học sinh; phun thuốc khử khuẩn lớp học; có chỗ rửa tay bằng xà phòng, khu vệ sinh đủ điều kiện...
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Bộ tiêu chí về đảm bảo mức độ an toàn trường học trong mùa dịch, trong đó xây dựng 15 tiêu chí, giúp các địa phương có thể đánh giá được khả năng an toàn của mình để tổ chức cho học sinh đi học trở lại.
Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng Quy chế chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xây dựng khung quy chế, ban hành đề tham khảo kỳ thi này, dự kiến xong trước ngày 10-5.
"Đề tham khảo bảo đảm phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp nhưng vẫn có sự phân hoá để các trường đại học dựa trên cơ sở đó có thể xét tuyển. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng Quy chế thi tốt nghiệp, dự kiến ban hành trước ngày 15-5 và Quy chế thi tuyển sinh đại học, dự kiến ban hành trước ngày 10-5", ông Nguyễn Hữu Độ cho biết.