Công bố hai sách trắng về doanh nghiệp và hợp tác xã Việt Nam năm 2020
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 14:34, 28/04/2020
Nội dung “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020” gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2019.
Cuốn sách gồm 6 phần, trong đó có nội dung đáng chú ý như: Tổng quan phát triển doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 và giai đoạn 2016-2019; một số nét chủ yếu về doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2018 và giai đoạn 2016-2018; đề xuất giải pháp phát triển doanh nghiệp...
Trong khi đó, “Sách trắng hợp tác xã Việt Nam năm 2020” (năm đầu tiên phát hành) gồm 5 phần: Bối cảnh phát triển hợp tác xã năm 2018; tổng quan phát triển hợp tác xã Việt Nam năm 2018 và giai đoạn 2016-2018; đề xuất giải pháp phát triển hợp tác xã; bộ chỉ tiêu phát triển hợp tác xã năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 của cả nước; bộ chỉ tiêu phát triển hợp tác xã năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 của các địa phương.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, đến ngày 31-12-2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Một số địa phương có tốc độ đăng ký doanh nghiệp cao hơn mức bình quân chung là: Bình Dương, Bình Phước, Bắc Ninh, Ninh Thuận...
Tuy nhiên, ở thời điểm ngày 31-12-2018, trong số 610.637 doanh nghiệp có báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh, chỉ có 269.169 doanh nghiệp báo lãi, 45.737 doanh nghiệp hòa vốn, 295.731 doanh nghiệp báo lỗ (chiếm 48,4%).
Doanh nghiệp hoạt động ở khu vực dịch vụ chiếm 68,7%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 30,2%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 6.844 doanh nghiệp, chỉ chiếm 1,1%.
Tính theo loại hình doanh nghiệp, khu vực nhà nước chiếm 0,4%. Khu vực ngoài nhà nước chiếm 96,9%. Khu vực đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 2,7%. Theo quy mô, doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm tới 62,6% số doanh nghiệp cả nước, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn.
Tổng doanh thu thuần của toàn bộ doanh nghiệp có kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2018 đạt 23,64 triệu tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2017. Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước năm 2018 có tổng doanh thu thuần cao nhất với 13,41 triệu tỷ đồng, chiếm 56,7%. Khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm 28,8%; khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm 14,4%.
Tổng số vốn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam tính đến ngày 31-12-2018 đạt 38,93 triệu tỷ đồng, tăng 18% so với cùng thời điểm năm 2017.
Cũng theo ông Nguyễn Bích Lâm, mục tiêu cả nước có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động khi kết thúc năm 2020 là khó đạt được. Tuy nhiên, mục tiêu này cần được xem xét trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực và cao hơn là yêu cầu gia tăng chất lượng, hiệu quả của các doanh nghiệp, chứ không chỉ nhìn vào số lượng thuần túy.
Về hợp tác xã (HTX), ở thời điểm ngày 31-12-2018, cả nước có 22.861 HTX. Tuy nhiên, chỉ có 13.958 HTX có báo cáo hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tổng số vốn sử dụng cho sản xuất, kinh doanh của HTX đạt 226.554 tỷ đồng. Tổng doanh thu của HTX cả nước đạt 88.586 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2017.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có số HTX lớn nhất, chiếm 50,4% tổng số HTX; HTX thuộc khu vực dịch vụ chiếm 31,1%; HTX thuộc khu vực xây dựng-công nghiệp chiếm 18,5%.
Theo quy mô lao động, số HTX có dưới 10 lao động chiếm 61,6%; có từ 10 đến 49 lao động chiếm 35,7%; có từ50 đến 99 lao động chiếm 1,6% và có trên 100 lao động chỉ chiếm 1%.