Trách nhiệm trước cử tri
Chính trị - Ngày đăng : 07:09, 28/04/2020
Tuy nhiên trên thực tế, việc tiếp công dân thời gian qua chủ yếu do thường trực HĐND, các ban HĐND và đại biểu chuyên trách thực hiện. Các đại biểu kiêm nhiệm hầu hết chưa dành thời gian thực hiện trách nhiệm này.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của đại biểu HĐND thành phố Hà Nội từ đầu năm 2020 đến nay vẫn diễn ra. Đã có 35 lượt đại biểu, đa phần là đại biểu chuyên trách tiếp công dân ở các tổ bầu cử, tiếp nhận 45 đơn thư của công dân.
Ngoài ra, Thường trực HĐND thành phố còn tổ chức 2 buổi tiếp công dân theo vụ việc (đơn của bà Bạch Thị Hồng Vân, phường Phương Mai, quận Đống Đa và đơn của ông Nguyễn Xuân Hưởng, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân). Đây là 2 vụ việc phức tạp, kéo dài liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án chưa được các địa phương giải quyết triệt để. Sau tiếp công dân, hiện 2 vụ việc trên đang được các sở, ngành chức năng tham mưu cho UBND thành phố Hà Nội giải quyết đúng quy định.
Có thể thấy, tiếp công dân không chỉ là nhiệm vụ quan trọng của đại biểu, mà còn là hoạt động giám sát trực tiếp các cơ quan quản lý nhà nước ở các lĩnh vực. Nhiều đại biểu HĐND thành phố Hà Nội chia sẻ, khi làm nhiệm vụ này, càng thấy rõ trách nhiệm của mình, đặc biệt khi lắng nghe, đặt mình vào vị trí của người dân, nhất là khi tiếp nhận khiếu nại, tố cáo. Vì thế, cùng với các đại biểu chuyên trách, đại biểu HĐND kiêm nhiệm cũng cần bố trí thời gian để tiếp công dân, để nắm bắt hoạt động quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, đồng thời tăng cường hơn nữa mối quan hệ, củng cố niềm tin của nhân dân.