Vì mục tiêu cao nhất của kỳ thi

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:25, 29/04/2020

(HNM) - Sau nhiều dự tính về sự thay đổi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay những vấn đề trọng tâm, trọng điểm của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã được xác định rõ. Việc triển khai thực hiện các phần việc liên quan cũng được ngành chức năng vào cuộc một cách tích cực để bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, chất lượng và nghiêm túc.

Có thể nói, những khó khăn của năm học 2019-2020 là chưa có tiền lệ. Song, với tinh thần không bị động và thích ứng với yêu cầu thực tiễn, ngành Giáo dục đã có những cân nhắc thận trọng, điều chỉnh từng bước để vừa đáp ứng chất lượng của giáo dục, vừa bảo đảm quyền lợi của học sinh.

Theo đó, từ việc giảm tải chương trình đến tổ chức dạy học trên truyền hình, trực tuyến..., đã được ngành Giáo dục - đặc biệt tại Hà Nội - thực hiện nhằm trang bị kiến thức cho học sinh. Bên cạnh đó, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã được điều chỉnh với mục đích tập trung xét, công nhận tốt nghiệp, không giống như kỳ thi “hai trong một” như mọi năm. Tuy vậy, kết quả của kỳ thi vẫn sẽ được các trường đại học, cao đẳng sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Kỳ thi giữ nguyên 3 đầu điểm đối với bài thi tổ hợp là khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Đề thi có sự phân hóa chất lượng học sinh, nhưng sẽ giảm bớt câu hỏi khó mà trước đây thường nhằm phục vụ tuyển sinh cho những trường đại học ở tốp đầu cả nước.

Như vậy, xáo trộn của kỳ thi năm nay so với năm học trước không nhiều và nhiều trường đại học, cao đẳng vẫn tin tưởng, lấy kết quả kỳ thi làm căn cứ để tuyển sinh. Thực tiễn này càng đòi hỏi kỳ thi phải nghiêm túc, khách quan, công bằng và chất lượng.

Trước mắt, để rõ hơn định hướng, đồng thời ổn định tâm lý giáo viên, học sinh, ngành Giáo dục cần thực hiện tốt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp gần đây nhất (chiều 27-4) với một số bộ, ngành trung ương, bàn phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 và phương hướng tổ chức xét tuyển đại học trong tình hình dịch Covid-19. Trong đó, khẩn trương ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong đầu tháng 5-2020; đồng thời ban hành đề thi tham khảo. Tổ chức tốt kỳ thi không chỉ tạo thuận lợi cho việc xét tuyển mà còn bảo đảm cho công tác học tập, ôn thi của học sinh và nhà trường; người dân cũng yên tâm, đời sống xã hội ít bị xáo trộn.

Thời gian từ nay đến kỳ thi chỉ còn hơn 3 tháng nên nhà trường, đội ngũ giáo viên càng có vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh ôn luyện, trang bị kiến thức phục vụ kỳ thi. Giáo viên cần bám sát các dạng đề thi tham khảo để ôn luyện cho học sinh; chia sẻ kinh nghiệm cũng như động viên, khuyến khích để các em vững tâm. Điều quan trọng là thông tin đến học sinh những quy định về kỳ thi, công tác tuyển sinh, đặc biệt là những quy định mới, khác biệt so với năm học trước để các em chủ động từ sớm.

Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn cho ngành Giáo dục, song ở một khía cạnh khác, đó cũng là động lực để thúc đẩy ngành đổi mới, tiệm cận nhanh hơn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Mô hình học trực tuyến, học trên truyền hình ở Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác thực hiện thời gian qua là kinh nghiệm để ngành Giáo dục triển khai cách đổi mới thi cử (như thi trên máy tính) và mang đến những gợi ý mới trong việc tăng tính chủ động đối với công tác tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng...

Do đó, từ nhà trường, giáo viên, đến phụ huynh và mỗi học sinh cần chủ động thích ứng, nỗ lực để thực hiện tốt mục tiêu cao nhất của kỳ thi là bảo đảm chất lượng, khách quan và công bằng.

Minh Thúy