Có một bản hùng ca tuổi 20

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:22, 29/04/2020

(HNM) - Trong quá trình đi tìm nhân vật cho loạt bài "Kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020): Trang sử chói lọi, khát vọng hùng cường", chúng tôi được tiếp cận 19 lá thư của một chàng thanh niên miền Bắc chưa đầy 17 tuổi, nhưng cố tình khai tăng 3 tuổi để được đi bộ đội, vào Nam chiến đấu và hy sinh lúc vừa tròn đôi mươi. Anh dở dang lời hẹn với mẹ cha trở về ngày chiến thắng, chỉ còn những cánh thư xưa như bản hùng ca mãi ngân vang...

Bài đầu: Anh vẫn trở về theo cánh thư xưa

Những tập thư viết trên nhiều loại giấy, nay đã ố màu thời gian... của liệt sĩ Phạm Huy Lập xuyên suốt là một niềm tin chiến thắng. Và hôm nay khi đất nước tròn 45 năm thống nhất, những người thân của anh, luôn nhớ về anh theo những cánh thư xưa...

Bà Phạm Thị Thanh bên di ảnh em trai mình là liệt sĩ Phạm Huy Lập.

Hai lần khai tăng tuổi để thực hiện khát vọng

Trong căn nhà nhỏ nơi xóm chợ tấp nập nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo đường Phạm Thế Hiển (quận 8, thành phố Hồ Chí Minh), bà Phạm Thị Thanh, 78 tuổi, cặm cụi lau khung kính bức ảnh chân dung em trai mình là liệt sĩ Phạm Huy Lập. Đây vốn là việc thường ngày của bà, nhưng cứ mỗi dịp 30-4 đến, dường như bà làm công việc ấy chậm rãi hơn, cẩn thận hơn. “Trong những lá thư gửi từ chiến trường, cậu ấy vẫn hẹn ngày chiến thắng sẽ về”, bà Thanh nói với tôi, người đang đi tìm những câu chuyện chưa được biết về ngày thống nhất 45 năm trước.

Bà Thanh theo chồng là cán bộ tập kết vào thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 8-1975. Trong hành trang rời đất Bắc của bà có tấm ảnh duy nhất của liệt sĩ Phạm Huy Lập chụp trước khi lên đường nhập ngũ tháng 5-1971, khi chưa đầy 17 tuổi, và những lá thư anh gửi dọc đường hành quân suốt dãy Trường Sơn, cho đến khi anh hy sinh năm 1974 tại Long An lúc vừa tròn 20.

“Cậu ấy 2 lần khai tăng tuổi để được đi bộ đội” - bà Thanh nhớ lại - “Gia đình tôi ở thị xã Bắc Giang, tỉnh Hà Bắc cũ. Lập sinh ngày 19-10-1954, nhưng vì muốn đi bộ đội như các anh của mình nên tháng 5-1970, khi chưa tròn 16 tuổi, Lập đã giấu gia đình khai hồ sơ thành 18 tuổi để xin nhập ngũ. Cậu ấy đã khám sức khỏe, chỉ chờ giấy gọi thì bị phát hiện nên không thành. Đầu năm 1971, khi đang học lớp 9, Lập lại sửa năm sinh thành 1951 để được nhập ngũ và toại nguyện…”.

Lời kể của bà Thanh dẫn chúng tôi ngược dòng thời gian về những năm 50 của thế kỷ trước. Thị xã Bắc Giang nhỏ xinh nằm bên bờ con sông Thương thơ mộng. Con phố Trần Phú hồi đó là đoạn đường đất gồ ghề ngắn nhỏ, dốc xuôi từ chợ Thương xuống bờ hồ trung tâm thị xã. Trong căn nhà tranh vách đất treo biển số nhà 36, ông Phạm Văn Hồng và bà Nguyễn Thị Vượng sinh được 9 người con. “Tôi là thứ ba, Lập là thứ bảy”, bà Thanh nói.

Ông Hồng làm nghề bốc thuốc nam. Bà Vượng do nhiều lần sinh nở, sức khỏe yếu, chỉ làm việc vặt. Sau nhiều năm tản cư ở vùng đồi rừng Lục Nam, 2 người con của ông bà đã bỏ cha mẹ, vĩnh viễn ra đi trong thiếu thốn, bệnh tật từ khi còn nhỏ. Năm 1954, hòa bình lập lại, ông bà quay về thị xã, cùng 7 người con còn lại dựng lên căn nhà tranh. Tháng 10, để đánh dấu nước nhà độc lập sau gần 100 năm chống Pháp, ông Hồng đặt tên cậu con trai mới sinh của mình là Phạm Huy Lập.

Hòa bình chẳng được bao lâu, đất nước lại bị chia cắt. Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, quân Mỹ vào miền Nam, chiến tranh dần lan rộng. Ba anh con trai lớn của ông bà lần lượt đi công tác xa và lên đường nhập ngũ, chiến đấu ở các chiến trường khác nhau. Bà Thanh lấy chồng là cán bộ miền Nam tập kết, nên ra ở riêng, bộn bề công việc của một cán bộ thương nghiệp và gia đình nhỏ với 3 người con. “Hoàn cảnh gia đình như thế nên Lập thành con lớn trong nhà, giúp đỡ cha mẹ già và trông nom 2 em nhỏ”, bà Thanh kể tiếp.

Phạm Huy Lập lớn lên cùng với sự gia tăng và lan rộng của chiến sự. Nhìn những người anh của mình lần lượt bỏ áo học trò, khoác lên mình bộ quân phục màu cỏ ra chiến trường; đọc báo, nghe đài thấy hàng nghìn, hàng vạn, hàng triệu trai tráng đất Bắc hành quân vào Nam chiến đấu, ước mơ trở thành người chiến sĩ trong anh cũng lớn dần lên.

"Cứ tin là con mình sẽ trở về..."

Đưa cho chúng tôi tập thư viết trên nhiều loại giấy, nay đã ố màu thời gian, với nhiều màu mực nhưng nét bút nghiêng nắn nót, bà Thanh kể: “Cậu ấy chăm viết thư lắm. Tập thư này gồm những lá thư đầu tiên cậu ấy viết cho các anh trai từ năm 1970; viết cho cha mẹ và anh chị khi đi bộ đội từ năm 1971 đến cuối năm 1973, trước khi hy sinh hơn 1 năm. Tôi đã gom lại sau ngày thống nhất và giữ đến bây giờ”.

Cẩn trọng lật giở những trang thư cũ, tôi như chìm vào thế giới của người thanh niên Phạm Huy Lập chỉ mới hơn 16 tuổi, nhưng đã đăm đắm ước mơ được trở thành người chiến sĩ. Trong lá thư ngày 3-7-1970 viết cho anh trai Phạm Văn Dương, đang là sĩ quan trinh sát kỹ thuật, có đoạn: “… Còn việc đi bộ đội của em, nó đã trở thành một hoài bão mà từ nhỏ em đã hằng mong muốn. Đợt nghĩa vụ quân sự tháng 4 vừa rồi, em có làm đơn tình nguyện (khai tăng lên 2 tuổi để được đi). Họ gọi để khám, được xếp vào loại A2, chỉ còn chờ giấy quyết định rồi nhập ngũ. Nhưng tình hình như vậy - như thầy đã nói với anh rồi, nên em chưa được đi…”.

“Tình hình như vậy là thế nào?”, tôi tò mò hỏi bà Thanh. Vén mấy sợi tóc bạc bay lất phất trước làn gió nhẹ phả ra từ chiếc quạt tai voi nặng trịch, bà Thanh khẽ khàng nói: “Nhà trường phát hiện ra. Lập cứ mong là sát dịp nghỉ hè thì nhà trường không biết. Nhưng có một anh ở tỉnh đội đọc hồ sơ, lại quen người ở Trường Ngô Sỹ Liên, nơi Lập học, nên hỏi tuổi. Lúc đó mới lộ ra là cậu ấy mới hơn 16 tuổi mà lại khai thành 18. Nhà đã có người đi bộ đội, cha mẹ già, nên không được đi…”.

Tôi quay nhìn tấm ảnh đen trắng lồng trong khung kính nhỏ. Bức chân dung chụp nghiêng. Đó là một chàng thanh niên mặc sơ mi trắng, dáng thư sinh, nét mặt cương nghị và có đôi mắt chất chứa nội tâm. Quay lại với lá thư đang đọc dở, tôi nuốt từng dòng chữ: “Có thể một năm hay 2, 3 năm hoặc lâu hơn, em sẽ tạm biệt gia đình thân yêu, tạm biệt bố mẹ và anh em để lên đường chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc, vì sự mong muốn của bản thân…”.

Tháng 5-1971, anh nhập ngũ. Sau hơn 6 tháng huấn luyện, đơn vị lên đường vào Nam. Trong một lá thư, anh viết: “Thầy mẹ đừng lo lắng gì cho con. Cứ tin là con mình sẽ trở về. Nó nhất định sẽ trở về trong một ngày không xa nữa…”. Sau hơn 5 tháng đi bộ dọc Trường Sơn, anh đến được chiến trường Tây Ninh và chiến đấu từ giữa năm 1972 cho đến khi hy sinh hơn 2 năm sau đó, lúc vừa tròn 20 tuổi.

“Mong muốn lớn nhất của gia đình chúng tôi bây giờ là tìm được hài cốt cậu ấy, nhưng có rất ít manh mối”, bà Thanh nói và đưa cho tôi tờ giấy báo tử, trên đó viết: “Thượng sĩ Phạm Huy Lập, sinh năm 1951, Tiểu đội trưởng, Tiểu đoàn 7 thuộc KB, hy sinh tại mặt trận phía Nam ngày 6-12-1974. Đơn vị đã mai táng ở nghĩa trang mặt trận”.

Chầm chậm đưa di ảnh người đã khuất trở lại góc kệ trên tường, bà Thanh quay lại bàn, với tay lấy tập thư, giọng bỗng nhẹ nhàng, trìu mến hơn: “Mỗi năm, gia đình chúng tôi được gặp cậu ấy ít nhất 3 lần, đó là dịp 30-4, dịp 27-7 và ngày giỗ của Lập. Nhà nào cũng có bản sao những lá thư này. Và như thế, giống như hàng nghìn đồng đội khác, cậu ấy đã như trở về với người thân sau ngày thống nhất rồi…”. 

(Còn nữa)

Thu Minh