Tiết kiệm chi thường xuyên bảo đảm cân đối ngân sách

Kinh tế - Ngày đăng : 18:29, 29/04/2020

(HNMO) - Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong bối cảnh thu ngân sách dự báo giảm khoảng 150 nghìn tỷ đồng, nhu cầu chi ngân sách tăng, để bảo đảm cân đối ngân sách, cần tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Internet

Trao đổi với báo chí ngày 29-4, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Bộ đã quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhằm phục hồi sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Khoảng 98% doanh nghiệp đang hoạt động (khoảng 740 nghìn doanh nghiệp) thuộc diện được giãn thuế và tiền thuê đất, với tổng mức khoảng 180 nghìn tỷ đồng. 

Bộ trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP và Nghị định số 134/2016/NĐ-CP về thuế suất thuế nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông lâm thủy sản, cơ khí, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ và công nghiệp ô tô.

Đồng thời, Bộ trình Chính phủ đề xuất với Quốc hội tại kỳ họp tới đây về quyết định mức thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, áp dụng từ ngày 1-7-2020. Nếu chính sách này được thông qua, khoảng 700 nghìn doanh nghiệp, chiếm khoảng 93% tổng số doanh nghiệp cả nước đang hoạt động sẽ được hưởng lợi.

Cùng với đó, Bộ Tài chính phối hợp với các ngành rà soát cắt giảm, miễn giảm nhiều loại phí, lệ phí. Cụ thể, miễn lệ phí môn bài đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thành lập mới trong năm đầu, chi nhánh, địa điểm kinh doanh, văn phòng đại diện do doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập trong thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài; giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính. Tổng số phí, lệ phí cắt giảm mà doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi là khoảng 500 tỷ đồng…

Song song các giải pháp về chính sách tài khóa tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã cùng với các ngành báo cáo với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nguồn lực thích đáng để phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, đã dành 16,2 nghìn tỷ đồng để phòng, chống dịch; trong đó, có khoảng 9,5 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để mua sắm trang thiết bị y tế. Dự kiến, trong thời gian tới, chi cho phòng, chống dịch sẽ tăng thêm…

Bộ trưởng Bộ Tài chính dự báo, ảnh hưởng của dịch Covid-19, với kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay khoảng 5,3%, giá dầu bình quân cả năm khoảng 35 USD/thùng (giảm khá sâu so với dự toán), thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách nhà nước năm nay ước có thể giảm khoảng 150 nghìn tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương giảm 110 nghìn tỷ đồng và ngân sách địa phương giảm khoảng 40 nghìn tỷ đồng.

Vì vậy, để có thể bảo đảm cân đối ngân sách như kế hoạch được giao, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên.

Trước hết, ngoài cắt giảm 10% chi thường xuyên theo dự toán đã được Quốc hội thông qua, tiếp tục cắt giảm thêm 10%, đồng thời, tiết kiệm 50% công tác phí nước ngoài, 30% kinh phí hội nghị, hội thảo.

“Số tiền này, riêng cơ quan trung ương đã tiết kiệm chi thường xuyên được khoảng 700 nghìn tỷ đồng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Trên tinh thần chia sẻ trách nhiệm giữa trung ương và địa phương, trong kinh phí phòng, chống dịch đã phân bổ cho địa phương, những địa phương có khả năng cân đối ngân sách cao thì phải chủ động sử dụng từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương. Với những địa phương khó khăn, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ theo các mức 30%, 50% và 70%.

Hương Thủy