Bảo đảm lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 20:28, 29/04/2020
Những quyết sách kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành chức năng không chỉ hướng tới mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực mà còn đáp ứng được yêu cầu của thị trường; bảo đảm thu nhập và đời sống của nông dân cũng như hài hòa lợi ích cho các doanh nghiệp kinh doanh lương thực.
Những quyết sách linh hoạt, kịp thời
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để bảo đảm an ninh lương thực, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Thông báo số 121/TB-VPCP chỉ đạo tạm dừng xuất khẩu gạo từ 0h00 ngày 24-3-2020. Sau khi tiếp nhận phản ánh vướng mắc của một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã có công văn hỏa tốc kiến nghị Chính phủ tạm ngừng thực hiện Thông báo số 121/TB-VPCP nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước thời điểm lệnh dừng xuất khẩu gạo có hiệu lực.
Trước kiến nghị của Bộ Công Thương, sau khi lắng nghe ý kiến của đại diện các bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo trong tháng 4-2020, có hiệu lực từ 0h00 ngày 11-4-2020. Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo thẩm quyền khẩn trương quyết định và triển khai thực hiện phương án xuất khẩu gạo; bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo trong mọi tình huống, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn diễn biến khó lường, giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan.
Trước tình hình dịch Covid-19 hiện đã được kiểm soát tốt tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường từ ngày 1-5-2020.
Quyết định cho phép xuất khẩu gạo trở lại của Chính phủ đã khiến các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu gạo tháo gỡ những băn khoăn, vướng mắc trong thời gian qua. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng chia sẻ: Với vai trò là một trong những đơn vị đã tham gia xuất khẩu gạo nhiều năm, Hapro đồng thuận, nhất trí cao với công tác điều hành xuất khẩu gạo linh hoạt cùng những giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời của Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành liên quan thời gian qua. Những quyết sách này không những bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đời sống của người nông dân mà còn tháo gỡ kịp thời những băn khoăn, vướng mắc của các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn.
Quyết sách linh hoạt, kịp thời của Chính phủ cũng thể hiện quyết tâm thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19 thành công, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội và chuẩn bị mọi điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ xuất khẩu, thu về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước sau khi đẩy lùi dịch Covid-19.
Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam để xuất khẩu gạo đạt giá trị cao
Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng, qua 16 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt sau khi tiến hành cổ phần hóa và trở thành thành viên Tập đoàn BRG, hoạt động sản xuất kinh doanh của Hapro đang có những thay đổi tích cực, trong đó, gạo luôn là mặt hàng chiến lược trong định hướng xuất khẩu. Chính vì vậy, Hapro đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và chế biến gạo xuất khẩu tại Ðồng Tháp, xây dựng vùng nguyên liệu, ký hợp đồng bao tiêu, thu mua sản phẩm với nhiều hợp tác xã sản xuất gạo tại Ðồng Tháp, Cần Thơ và một số tỉnh lân cận làm nguyên liệu đầu vào cho nhà máy.
Gạo Hapro Ðồng Tháp đã được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp mã (code) chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ từ giữa tháng 6-2018. Những chuyến hàng chở gạo được xuất sang thị trường vốn nổi tiếng “khó tính” đã mang đến tín hiệu rất tích cực cho mảng xuất khẩu nông sản đang được Hapro đầu tư bài bản ở tất cả các khâu: Vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến, đóng gói và thương mại hóa. Bên cạnh thị trường Mỹ, Hapro cũng đã có sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, châu Âu... đưa hạt gạo Việt Nam đến với khách hàng trên khắp trên thế giới.
“Thời gian tới, Hapro sẽ nghiên cứu đầu tư, mở rộng hoạt động và công suất của nhà máy chế biến và xay xát gạo; từng bước giảm việc xuất khẩu hàng thô, tạo ra giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông sản Việt nam xuất khẩu ra thế giới. Hapro cũng sẽ nghiên cứu để chủ động xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu đối với một số mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam và là thế mạnh của Hapro, trong đó có mặt hàng gạo”, ông Nguyễn Tiến Vượng chia sẻ.
Để hoạt động xuất khẩu gạo được thực hiện bài bản, minh bạch và đem lại giá trị cao, các doanh nghiệp xuất khẩu kiến nghị Chính phủ rà soát Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15-8-2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo nhằm sửa đổi, khắc phục những bất cập phát sinh trong thực tế. Qua đó, hạn chế tình trạng một số doanh nghiệp không có kho, không có cơ sở sản xuất nhưng vẫn hoạt động xuất khẩu gạo; thậm chí vừa qua còn có tình trạng một số doanh nghiệp không làm xuất khẩu nhưng lại tranh thủ đăng ký hạn ngạch xuất khẩu gạo. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng kiến nghị Chính phủ định hướng xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam để xuất khẩu gạo đạt giá trị cao hơn.