Dịch Covid-19: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia suy giảm mạnh
Thế giới - Ngày đăng : 06:37, 30/04/2020
Châu Mỹ
Tốc độ lây lan dịch bệnh tại Mỹ đã giảm đáng kể khi chỉ có thêm 21.046 ca mắc mới trong ngày hôm qua, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên 1.056.811. Số ca tử vong hiện là 61.190.
Nhiều tiểu bang như Alaska, Colorado, Minnesota, Texas, Vermont, Georgia đã bắt đầu mở cửa một phần hoạt động kinh doanh, dỡ bỏ một số hạn chế vốn được thực thi để giảm thiểu sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Cũng trong ngày, Chính phủ Mỹ công bố báo cáo kinh tế cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này trong quý I đã giảm mạnh ở mức 4,8% do tác động của dịch bệnh. Đây là mức giảm tính theo quý mạnh nhất kể từ quý IV-2008, chấm dứt hơn một thập kỷ tăng trưởng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Châu Âu
Nga hiện được coi là điểm nóng của dịch bệnh khi vài ngày gần đây ghi nhận số ca nhiễm mới luôn ở mức trên 5.000 ca/ngày. Quốc gia này cũng đã gia hạn lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh, vốn được ban bố từ giữa tháng 3 vừa qua và sẽ hết hiệu lực ngày 29-4, cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát.
Nga cũng đang bắt đầu chuẩn bị kế hoạch hành động quốc gia quy mô lớn để bình thường hóa hoạt động kinh doanh, khôi phục việc làm và thu nhập của người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.
Tại Đức, nhiều địa phương lo ngại về nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ hai trong bối cảnh việc nới lỏng giãn cách xã hội đã được thực hiện tại hầu hết các bang. Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp giãn cách và phòng ngừa không để tỷ lệ lây nhiễm tăng trên 1,0 - có nghĩa một bệnh nhân sẽ lây nhiễm cho một người khác.
Chính phủ Đức dự báo GDP nước này sẽ giảm 6,3% trong năm 2020 và đây sẽ là cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ sau chiến tranh Thế giới thứ hai, cũng là đợt suy thoái lần đầu tiên sau 10 năm đạt tăng trưởng. Do đại dịch, phần lớn đời sống thường nhật và hoạt động kinh tế phải tạm ngừng và việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội chỉ có thể được thực hiện từng bước.
Trong khi đó, Viện Kinh tế và Nghiên cứu xã hội quốc gia của Anh (NIESR) dự báo kinh tế nước này suy giảm 7,2% trong năm nay nếu các biện pháp hạn chế tiếp tục được thực thi cho đến giữa tháng 5.
Nhà chức trách Pháp cũng cho biết đã ghi nhận hơn 10 trường hợp trẻ mắc chứng viêm động mạch vành cung cấp máu cho tim. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran đưa ra thông báo này một ngày sau khi giới chức y tế Anh cảnh báo về hội chứng viêm hiếm gặp nghi có liên quan tới vi rút SARS-CoV-2.
Phát biểu trên đài Franceinfo, ông Veran cho biết, khoảng 15 trẻ ở các lứa tuổi khác nhau mắc hội chứng lạ trên trong khi nhiều ca cũng được xác nhận tại Italia, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. Theo bộ trưởng này, may mắn chưa có trường hợp trẻ tử vong do hội chứng khá hiếm gặp trên. Tuy nhiên, một vài trong số các ca tại Pháp và tại Anh dương tính với vi rút SARS-CoV-2 gây ra một số lo ngại và cần cảnh giác.
Châu Á
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, quốc gia này sẽ nối lại các hoạt động kinh doanh dù tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Phát biểu tại cuộc họp nội các trực tuyến, ông H.Rouhani nhấn mạnh, việc tuân thủ các chỉ dẫn y tế là cần thiết nhưng các hoạt động làm việc và sản xuất cũng rất thiết yếu.
Phát biểu trên được đưa ra khi Bộ Y tế Iran thông báo thêm 80 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 5.957. Trong khi đó, Iran ghi nhận thêm 1.073 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng ca nhiễm lên 93.657.
Cùng ngày, chính quyền bang Punjab, miền Bắc Ấn Độ đã quyết định sẽ gia hạn biện pháp phong tỏa thêm 2 tuần, tới ngày 3-5. Tuy nhiên, mỗi ngày người dân tại bang này sẽ có 4 giờ (từ 7h-11h) để đi mua sắm các mặt hàng thiết yếu.
Theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, tổng số ca tử vong đã vượt con số 1.000, trong khi số người mắc bệnh cũng vượt 30.000. 71 người tử vong trong vòng 24 giờ qua cho thấy tình hình dịch bệnh tại quốc gia Nam Á này chưa có dấu hiệu được cải thiện. Với nhiều khu ổ chuột lớn và hệ thống y tế còn yếu kém, các chuyên gia y tế lo ngại Ấn Độ có thể sẽ chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19.