Xứng danh thành phố mang tên Bác
Đời sống - Ngày đăng : 07:13, 30/04/2020
Từ "vượt lên chính mình"...
Những năm đầu sau giải phóng, thành phố Hồ Chí Minh gặp vô vàn khó khăn trong phát triển kinh tế. Trước bối cảnh ấy, thành phố đã “vượt lên chính mình” bằng nhiều giải pháp, cách làm mới mẻ, đột phá với kim chỉ nam là “bám sát thực tiễn, hiểu dân, trọng dân, chăm lo đời sống nhân dân”.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Xuân Biên, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ngay từ sau giải phóng, Thành ủy và các cấp chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ nét truyền thống sáng tạo, sâu sát với thực tế. Các cấp lãnh đạo đã tăng cường xuống cơ sở, gặp gỡ cán bộ và nhân dân, lắng nghe trăn trở, nguyện vọng, thắc mắc của dân, rồi cùng cán bộ cơ sở bàn bạc, tháo gỡ bằng những giải pháp, bước đi mang tính đột phá, thực hiện “cởi trói” về cơ chế để giúp sản xuất “bung ra”, cải tiến lưu thông phân phối, mở rộng thị trường trước hết là trong khu vực và thị trường quốc tế, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống nhân dân.
"Nhờ đó, thành phố đã vượt qua giai đoạn đầy khó khăn, hình thành quan hệ sản xuất mới, ổn định. Trong 10 năm đầu sau giải phóng (1976-1985), tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thành phố Hồ Chí Minh tăng bình quân 2,7%/năm. Bước vào thời kỳ đổi mới, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) đến nay, thành phố đã nỗ lực vươn lên, khẳng định vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước. Nhiều năm liền, tăng trưởng kinh tế của thành phố duy trì tốc độ bình quân từ 10 đến 12%/năm, cao hơn 1,5 lần so với mức bình quân của cả nước", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Xuân Biên cho biết.
Trong 45 năm qua, dưới ánh sáng soi đường của Đảng, Đảng bộ và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, đưa thành phố phát triển trên mọi lĩnh vực, đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội. Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần tạo ra khoảng 1/4 GDP cả nước, 1/3 giá trị sản lượng công nghiệp, đóng góp khoảng 28% tổng thu ngân sách quốc gia, hơn 18% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu, thu hút 1/3 tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của cả nước và luôn đóng vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với những thành tựu đạt được, thành phố Hồ Chí Minh đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý: “Thành phố Anh hùng”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” và hai lần được tặng Huân chương Sao vàng.
... đến một thành phố năng động, thông minh
Được xem là đô thị đặc biệt, trước yêu cầu phát triển mới, thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là phương thức quản lý, quản trị và điều hành chưa hiệu quả. Do đó, việc xây dựng thành phố năng động, thông minh là một xu hướng tất yếu phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Từ năm 2017, thành phố đã triển khai thực hiện Đề án "Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, trong đó tập trung vào 4 trụ cột lớn: Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh; phát triển một Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội; xây dựng Trung tâm An toàn thông tin.
Đến thời điểm hiện tại, kho dữ liệu đã tích hợp được cơ sở dữ liệu văn bản điện tử, “một cửa” điện tử, khiếu nại, tố cáo, đường dây nóng, đăng ký doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài, dự án đầu tư công, địa chính, các cơ sở khám, chữa bệnh, chứng chỉ hành nghề, các cơ sở giáo dục, dịch vụ giáo dục... tại cổng dữ liệu thành phố (https://data.hochiminhcity.gov.vn). Cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu dân cư đang được tích cực triển khai xây dựng... Nhờ đó đã giúp chính quyền thành phố quản lý sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bao gồm tài nguyên số, trong công tác quản trị; người dân và doanh nghiệp được kết nối tốt hơn với chính quyền, có cơ hội tiếp cận thông tin tốt hơn.
Đối với việc xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, trong giai đoạn 1, thành phố đã triển khai thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu các hệ thống camera giám sát của Sở Giao thông - Vận tải và một số quận, huyện. Tổng số lượng camera đã được tích hợp về Trung tâm Điều hành là hơn 1.000 chiếc, trong đó phân tích nâng cao dữ liệu cùng lúc hàng chục camera gồm nhận diện khuôn mặt, nhận dạng loại phương tiện, phát hiện đám đông, các sự cố về giao thông, an ninh trật tự, hay những sự cố bất thường khác trên mạng lưới giao thông trên địa bàn.
Ngoài ra, Trung tâm đã kết nối thông tin tổng hợp từ hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị 1022, hệ thống “một cửa” điện tử; hệ thống quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị trên nền bản đồ... Trong khi đó, Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội đã bước đầu được hình thành. Đến nay, thành phố đã hoàn thành tài liệu tổng hợp các phương pháp dự báo khoa học, từ đó, đã ứng dụng các mô hình để dự báo một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu cho các năm 2019 và 2020; phát triển mô hình kinh tế lượng...
Đánh giá bước đầu việc thực hiện xây dựng đô thị thông minh tại thành phố Hồ Chí Minh trong hơn 2 năm qua, Thường trực UBND thành phố nhận định: Thành phố đã, đang tích cực phát huy sức mạnh tổng hợp từ nhiều nguồn lực về công nghệ, nguồn trí tuệ nhân tạo để giải quyết các vấn đề hạn chế bởi mô hình quản trị truyền thống, góp phần đưa thành phố Hồ Chí Minh phát triển đúng với tiềm năng, thế mạnh của mình. Điểm đáng ghi nhận đầu tiên là kho dữ liệu dùng chung giai đoạn 1 đã và đang phục vụ tích cực cho công tác chỉ đạo điều hành của Thường trực UBND thành phố.
Dù mới triển khai xây dựng đô thị thông minh, nhưng người dân thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu được thụ hưởng các tiện ích mang lại. Các đơn vị đã cung cấp một số tiện ích cho người dân như: Cảnh báo ngập, tra cứu thông tin quy hoạch, tra cứu tình hình giao thông qua camera, đăng ký khám bệnh và tự tra cứu giá dịch vụ, giá thuốc tại một số bệnh viện...
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, để xứng đáng với niềm tin của nhân dân, Đảng bộ thành phố phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình và chịu sự giám sát của nhân dân. Đánh giá sự trong sạch, vững mạnh của Đảng bộ phải dựa trên cơ sở đánh giá của nhân dân.
Nhìn lại những thành tựu của thành phố Hồ Chí Minh sau 45 năm giải phóng, có thể thấy, từ những mất mát, đau thương, thành phố đã vươn lên mạnh mẽ, luôn giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển chung của cả nước. Thành phố đang hướng tới là nơi có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học và công nghệ của khu vực Đông Nam Á, xứng đáng là thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.