Để không ai bị bỏ lại phía sau

Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 08:09, 01/05/2020

(HNMCT) - Dịch Covid-19 khiến nhân loại quay cuồng trong một cuộc khủng hoảng chưa từng có kể từ Thế chiến lần thứ 2. Nạn nhân của cuộc chiến sinh tử này không chỉ là những nước nghèo đói đang phát triển, mà ngay cả những quốc gia có nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Anh, Đức... cũng đang oằn mình trước hậu quả do dịch bệnh gây ra.

Điều đáng mừng là khi đối mặt với “kẻ thù chung” có sức mạnh hủy diệt này, thế giới đang xích lại gần nhau hơn, lòng nhân ái được lan tỏa, nhân lên để “không ai bị bỏ lại phía sau” cuộc chiến.

Thành viên nhóm Sen Vàng Berlin - một nhóm thiện nguyện của cộng đồng người Việt Nam tại Đức tặng nhiều suất đồ ăn cho đội ngũ y tế Bệnh viện Charité Mitte Berlin.

Câu chuyện cảm động về chuyến bay mang lương thực tới Trung tâm cứu trợ trẻ em Bana Ba Kgosi (Nam Phi) mới đây là một ví dụ. 10 năm qua, Bana Ba Kgosi là địa chỉ quen thuộc của những trẻ em mồ côi cũng như con em các gia đình đặc biệt khó khăn. Sau mỗi ngày tan học, đây là nơi để các em trở về cùng những bữa ăn, vùi vào giấc ngủ trong cảm giác an toàn và ấm áp. Tuy nhiên, sự yên ổn của lũ trẻ bắt đầu bị đe dọa khi dịch Covid-19 tràn qua Nam Phi, đặc biệt sau khi Tổng thống Cyril Ramaphosa ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc từ đầu tháng 4. Cũng kể từ đó, các chuyến xe chở lương thực đến trung tâm ngày một thưa dần trong nỗi lo lắng của người dân.

Trực tiếp cùng nhân viên múc từng bát súp cho trẻ em trong trại, Giám đốc Trung tâm Doris Molefe không ngăn được những giọt nước mắt. Bà cho biết, sau nhiều ngày đói bụng, trên bàn ăn của các em đã có bánh mì lát cùng súp khoai hầm thịt. Người dân trong vùng sẽ rất biết ơn sự giúp đỡ kịp thời của Covid Fight, một tổ chức thiện nguyện do phi công kỳ cựu Menno Parsons khởi xướng nhằm tập hợp một số phi công tự do với sứ mệnh chuyên chở miễn phí hàng cứu trợ khẩn cấp đến các khu vực bị thiếu trầm trọng thực phẩm và thuốc men. Khi chiếc trực thăng của đội bay tới, các em nhỏ tại trung tâm đã trải qua 3 ngày gần như không có gì vào bụng.

Trên thực tế, những gì Covid Fight đang làm chỉ là mảnh ghép nhỏ trong tổng thể bức tranh hoạt động thiện nguyện đang nở rộ khắp các châu lục. Không chỉ giúp đỡ những người khó khăn, các tổ chức và cá nhân mang tấm lòng “tương thân, tương ái” còn là hậu phương vững chắc cho đội ngũ y tế đang gồng mình bảo đảm sức khỏe và sự bình an cho toàn thế giới. Hàng triệu bộ quần áo và khẩu trang kháng khuẩn đã được quyên góp, những suất ăn miễn phí mang tới tận bệnh viện... là hình ảnh đẹp thay cho bất kỳ lời nói nào. Cùng với suy nghĩ ấy, những ngày vừa qua, cộng đồng người Việt Nam tại Séc, Đức, Ba Lan, Anh... cũng đang hỗ trợ đội ngũ y, bác sĩ và người dân tại quê hương thứ hai của mình.

Ở cấp độ cao hơn, từ Liên minh Châu Âu (EU), Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tới Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đều đã và đang phát huy tiếng nói. G20 cam kết thành lập mặt trận thống nhất chống dịch Covid-19, EU nhất trí phát triển hệ thống quản lý khủng hoảng châu Âu và một chiến lược chung để đối phó, ASEAN thực hiện chia sẻ thông tin và phối hợp chính sách hiệu quả để ngăn chặn dịch...

Hợp tác chống dịch Covid-19 là sẵn sàng viện trợ cả sức người lẫn vật tư y tế để hỗ trợ những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Khi dịch bệnh mới bùng phát, Trung Quốc bị thiếu hụt nguồn cung y tế nghiêm trọng. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã cung cấp vật tư y tế qua quỹ khẩn cấp trị giá 500.000 USD để giúp Trung Quốc. Hàn Quốc viện trợ 2 triệu mặt nạ, 1 triệu khẩu trang y tế, 100.000 bộ đồ bảo hộ. Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền Nhật Bản quyết định trích một phần lương tháng 3 của mỗi nghị sĩ để ủng hộ, với tổng số tiền 18.170 USD...

Giờ đây, các quốc gia giàu có cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trang thiết bị y tế, điều hiếm khi xảy ra trước đây. Và việc các quốc gia đang phát triển cố gắng giúp đỡ các quốc gia có sức mạnh kinh tế gấp nhiều lần cũng là điều ít thấy khi chưa xuất hiện dịch Covid-19. Mới đây, ngày 23-4, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã vận chuyển 1,5 triệu khẩu trang sang Đức. Trước đó, 450.000 bộ quần áo bảo hộ DuPont được sản xuất tại Việt Nam đã được bàn giao cho Mỹ. Đây là những mặt hàng mà công nhân Việt Nam gấp rút hoàn thành trong thời hạn ngắn theo đơn đặt hàng để có thế giúp 2 quốc gia nói trên. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đã trao tặng số hàng hỗ trợ phòng, chống dịch cho các nước Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha và Anh, bao gồm 550.000 khẩu trang vải kháng khuẩn chống giọt bắn do Việt Nam sản xuất.

Sự hỗ trợ này có thể chưa nhiều so với nhu cầu hiện nay của các quốc gia, nhưng đây là những gì tốt nhất mà Chính phủ Việt Nam có thể thu xếp trong bối cảnh Việt Nam cũng đang có nhu cầu rất lớn về các trang thiết bị, vật tư y tế. Trên hết, việc làm này thể hiện nghĩa cử cao đẹp của Việt Nam, sẵn sàng chia sẻ nguồn lực với Chính phủ và nhân dân các nước. Ngoài ra, Việt Nam đã làm tất cả những gì tốt nhất có thể để hỗ trợ y tế và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân các nước ở Việt Nam, trong đó có việc chữa trị thành công cho nhiều trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Đây là thông điệp về tình đoàn kết, cam kết và hành động mạnh mẽ của Việt Nam trong cuộc chiến cam go với dịch bệnh.

Nhiều năm qua, chủ nghĩa khủng bố, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường là mối nguy chung đòi hỏi phải hợp tác xuyên biên giới để đối phó. Đại dịch Covid-19 đã khiến các quốc gia nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của đoàn kết, đồng lòng và tinh thần “tương thân, tương ái”. Đây là “vũ khí” hữu hiệu nhất để giành chiến thắng trước mọi "kẻ thù vô hình” như Covid-19.

Quỳnh Dương