Đánh giá rủi ro để “sống chung” với dịch

Đời sống - Ngày đăng : 08:06, 01/05/2020

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn “sống chung an toàn” với dịch Covid-19. Một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bắt đầu hoạt động trở lại. Vì vậy, việc đánh giá tính rủi ro lây nhiễm vi rút corona đang được các cơ quan chức năng và chủ thể các doanh nghiệp thực hiện chặt chẽ, nhằm bảo đảm duy trì hoạt động trong tình hình mới.

Công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam thực hiện giãn ca, rửa tay khử trùng và đo thân nhiệt trước khi vào xưởng. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Mới đây, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành bộ Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm Covid-19 tại doanh nghiệp trên địa bàn thành phố gồm 10 chỉ số thành phần. Căn cứ vào bộ chỉ số, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) với quy mô khoảng 62.000 công nhân đã phải tạm dừng hoạt động 2 ngày để khắc phục hạn chế trong công tác phòng, chống dịch.

Theo Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) Nguyễn Chánh Phương, để bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch, phần lớn các doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn thành phố cho phép người lao động bộ phận văn phòng làm việc tại nhà. Còn người lao động tại bộ phận sản xuất, quản lý các xưởng đã phân bổ ca kíp, hạn chế tối đa số người tại mỗi phân xưởng, mỗi dây chuyền sản xuất; đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt việc khử khuẩn nơi làm việc, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. “Với việc đáp ứng các tiêu chí phòng, chống dịch Covid-19 theo bộ chỉ số, các doanh nghiệp trong hiệp hội đã giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm. Theo kết quả tự đánh giá, không còn doanh nghiệp nào có mức rủi ro lây nhiễm cao và rất cao nữa”, ông Nguyễn Chánh Phương cho biết.

Bên cạnh việc tự đánh giá theo bộ chỉ số, nhiều doanh nghiệp cũng tự giác thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng, chống dịch. Đơn cử, Công ty TNHH May thời trang Gia Phú đã bố trí 3 máy cho một công nhân (trước đây mỗi công nhân ngồi 1 máy). “Trên tinh thần là giãn cách, nhưng vẫn duy trì hoạt động và việc làm cho công nhân”, Giám đốc Công ty TNHH May thời trang Gia Phú  Ngô Duy Bằng khẳng định.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh Chu Tiến Dũng nhận định, bộ Chỉ số đánh giá tính rủi ro của doanh nghiệp trong phòng, chống dịch Covid-19 có ý nghĩa khuyến cáo, giúp doanh nghiệp tự nhận diện và đánh giá rủi ro tại cơ sở, từ đó có kế hoạch khắc phục.

Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Hữu Hưng cho biết, sau khi các doanh nghiệp tự đánh giá theo bộ Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm Covid-19 tại doanh nghiệp, các cơ quan chức năng sẽ thẩm định lại. Cụ thể, với doanh nghiệp trên 3.000 lao động, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh sẽ trực tiếp thẩm định, còn các doanh nghiệp quy mô dưới 3.000 lao động thì UBND các quận, huyện sẽ phối hợp các cơ quan chuyên môn thẩm định.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, dự báo dịch Covid-19 tác động mạnh đến kinh tế thành phố bắt đầu từ quý II-2020. Để kinh tế phát triển ổn định, thành phố đã chủ động xây dựng cơ chế chính sách. Trong đó, ngoài việc ban hành chỉ số đánh giá tính rủi ro của doanh nghiệp, cần tổ chức hậu kiểm việc cam kết tuân thủ phòng, chống dịch và thẩm định kỹ lưỡng chỉ số đánh giá tính rủi ro mà doanh nghiệp tự đánh giá để phù hợp với trạng thái “bình thường mới” (có người nhiễm nhưng không xảy ra dịch).

Người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu, các sở, ban, ngành, quận, huyện khẩn trương triển khai kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong và sau khi dịch được kiểm soát. Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. “Lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế từng quý và năm 2020. Bằng mọi giải pháp để tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt mức cao nhất có thể trong năm nay”, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Nguyễn Lê