Đẩy mạnh xuất khẩu từ xúc tiến thương mại
Kinh tế - Ngày đăng : 07:48, 01/05/2020
Hai ngày sau khi tham gia hội nghị giao thương trực tuyến hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc tổ chức ngày 23-4 vừa qua, Công ty TNHH Real Bean Coffee (trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh) đã gửi lô hàng mẫu đầu tiên tới một đối tác ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để kết nối kinh doanh lâu dài. Giám đốc công ty Văn Thị Loan cho biết: “Một doanh nghiệp khác ở tỉnh Quảng Tây cũng dự định phân phối cà phê của chúng tôi tới chuỗi cửa hàng đồ uống của họ. Hy vọng thị trường hơn 1 tỷ dân ngay sát Việt Nam sẽ là điểm đến để công ty tăng xuất khẩu thời gian tới”.
Real Bean Coffee là một trong số 35 doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội nghị giao thương trực tuyến hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc lần đầu tiên được Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Thương mại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức. Hội nghị có sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp Việt Nam và tỉnh Quảng Tây với 6 phiên giao thương theo các chuyên đề: Nông sản, trái cây tươi, hạt khô, thực phẩm khô, đồ uống, thủy sản.
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, trong khuôn khổ hội nghị, hơn 200 cuộc giao thương trực tuyến đã được thực hiện, đặc biệt là các phiên giao thương riêng giữa doanh nghiệp hai nước. Sau hội nghị này, ngày 28-4, Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Xúc tiến thương mại Việt Nam - Ấn Độ: Cơ hội và thách thức hậu Covid-19”. Tại đây 150 cơ quan, doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Ấn Độ đã trao đổi, tìm hiểu nhu cầu, năng lực của nhau, tiến tới thỏa thuận hợp tác xúc tiến thương mại. Nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như chè, cà phê, hạt điều, gạo, rau quả, đồ uống đã được các doanh nghiệp đối tác đón nhận, đặt mua với số lượng lớn.
Những hoạt động giao thương trực tuyến liên tục được tổ chức khẳng định cơ quan chức năng luôn nỗ lực tìm kiếm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại. Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết: "Chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến và đẩy mạnh ứng dụng nền tảng kỹ thuật số vào xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp tìm đầu ra cho xuất khẩu. Mục tiêu là nâng cao sức cạnh tranh, đưa hàng hóa Việt Nam tham gia ngày càng sâu vào các chuỗi giá trị và tăng độ phủ trên thị trường thế giới".
Rõ ràng, xúc tiến thương mại trực tuyến đang cho thấy những ưu thế vượt trội đem đến nhiều cơ hội cho xuất khẩu. Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhận diện và bắt nhịp tiềm năng của hoạt động này. Đối tượng tham gia xúc tiến thương mại và xuất khẩu trực tuyến ngày càng đa dạng, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho doanh nghiệp. Chủ tịch Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải (có trụ sở tại Hà Nội) Lưu Hải Minh cho biết, nhờ đẩy mạnh thương mại trực tuyến mà doanh nghiệp này đã bán sản phẩm tới Nga, Hoa Kỳ, Singapore. Theo ông Lưu Hải Minh, doanh nghiệp có thể sử dụng ngay cả mạng xã hội để kết nối trực tuyến với bạn hàng khắp thế giới. “Kết nối giao thương trực tuyến là hướng đi hợp thời mà doanh nghiệp cần quan tâm nếu muốn vươn ra toàn cầu”, ông Lưu Hải Minh khẳng định.
Để thúc đẩy xuất khẩu thông qua hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cần có bước đi bài bản, chủ động đầu tư về công nghệ, tương ứng với ngành hàng của mình. Đây cũng sẽ là hướng đi hiệu quả khi dịch bệnh qua đi.