Về Thái Bình, thăm Hành cung Lỗ Giang

Du lịch - Ngày đăng : 06:08, 02/05/2020

(HNMCT) - Triều Trần (1225 - 1400) là một trong những triều đại cường thịnh trong thời kỳ phong kiến ở nước ta. Trong giai đoạn nắm giữ quyền lực, nhà Trần vẫn đóng đô ở kinh thành Thăng Long, tiếp nối sự hưng thịnh từ đời nhà Lý. Ngoài ra, nhà Trần còn 3 hành cung quy mô khác, đó là: Hành cung Thiên Trường ở Nam Định, Hành cung Vũ Lâm ở Ninh Bình và Hành cung Lỗ Giang ở Thái Bình.

Di tích Hành cung Lỗ Giang - nay là đền Thái Lăng.

Thông tin từ lòng đất

Hành cung vốn là hệ thống cung điện được xây bên ngoài kinh thành làm nơi nghỉ cho vua mỗi khi tuần du, vì vậy, quy mô, kiến trúc của hành cung tương tự như cung điện ở kinh thành. Nếu như Hành cung Thiên Trường và Hành cung Vũ Lâm được sử sách lưu giữ nhiều thông tin và được phát hiện, bảo tồn từ lâu thì Hành cung Lỗ Giang mới được phát hiện năm 2014 tại đền Thái Lăng (xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).

PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành cho biết: Hành cung Lỗ Giang là một hành cung lớn. Lần đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học, các nhà khoa học đã tìm thấy một tổ hợp công trình kiến trúc đặc biệt, đó là hệ thống móng trụ kép hình chữ nhật có kích thước lớn gấp ba móng trụ vuông thông thường. Tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long trước đó cũng đã tìm thấy móng trụ kép tương tự nhưng mang kiến trúc thời Lý, với quy mô nhỏ hơn so với Hành cung Lỗ Giang thời nhà Trần.

Hành cung Lỗ Giang được thiết kế theo hình chữ Công, có tổng diện tích 554m2. Trong hành cung, người ta tìm thấy nhiều viên ngói úp đầu bờ dải trang trí mặt sư tử, trán khắc chữ Vương. Ngoài ra, còn rất nhiều di vật được trang trí đề tài rồng, phượng. Hành cung Lỗ Giang được cho là sử dụng dưới thời vua Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông, và là Hành cung Kiến Xương dưới thời vua Trần Hiến Tông.

Năm 2016, Viện Nghiên cứu Kinh thành khai quật sâu hơn đền Thái Lăng, Lăng Sa trong và Lăng Sa ngoài. Khai quật đền Thái Lăng làm xuất lộ toàn bộ kiến trúc cung đình thời Trần. Lăng Sa ngoài cách đền Thái Lăng khoảng 120m về phía nam, tại đây có nhiều đoạn tường thành bằng sỏi sét. Điều này khiến các nhà khảo cổ đặt giả thiết rằng, đây có thể là móng của một ngọn tháp, khu mộ cổ hoặc một cái gò. Tại Lăng Sa trong, các nhà khoa học còn tìm thấy dấu vết của cổng ra vào, tường cung điện và một số đồ gia dụng.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép rằng, năm 1293, Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng thái hậu băng hà ở Hành cung Lỗ Giang, phủ Long Hưng, tạm quàn ở cung Long Hưng. Năm 1341, vua Trần Hiến Tông băng hà ở chính tẩm, tạm quàn ở cung Kiến Xương. Điều này cho thấy, Hành cung Lỗ Giang không chỉ là nơi nghỉ chân khi tuần du của vua mà còn là nơi an dưỡng cuối đời của vương phi và đế vương.

Trong đền Thái Lăng còn có hiện vật niên hiệu Khải Định năm thứ 9 (1924), đó là hai cỗ ngai cổ và một tấm sắc phong. Hai cỗ ngai có nội dung: “Trần triều Anh Tông Huy Văn Chính Hưng Mệnh Đạt Đức Hoàng đế” và “Minh Tông Thông Triết Túc Nghệ Mưu Thánh Bảo Định Hoàng đế”. Không chỉ có quy mô rộng lớn và độc đáo, những dấu tích ở đây còn cho thấy Hành cung Lỗ Giang có vai trò chính trị quan trọng không kém Hoàng thành Thăng Long thời bấy giờ.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Di vật được khai quật tại Hành cung Lỗ Giang mang đậm dấu ấn văn hóa thời Trần. Ảnh: Ngữ Thiên

Khu đền Thái Lăng hiện nay đã được lợp mái tôn toàn bộ để bảo vệ cấu trúc công trình cổ và di vật. Ngay trước cửa đền, Ban quản lý cho trưng bày các di vật và chú thích cụ thể tên, niên đại. Ngoài ra, chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân không xâm phạm các khu vực bên ngoài như Lăng Sa trong, Lăng Sa ngoài bởi nơi đây sẽ tiếp tục được khai quật trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Thưởng, đại diện Ban quản lý di tích Hành cung Lỗ Giang cho biết, Hành cung Lỗ Giang xưa - nay là đền Trần và đền Thái Lăng, nằm gần ngã ba sông Hồng và sông Trà Lý, xung quanh là các bãi bồi với vườn cây bạt ngàn, không gian yên tĩnh, rất phù hợp để phát triển loại hình du lịch tâm linh - sinh thái. Hành cung Lỗ Giang không chỉ là nơi thu hút khách du lịch mà còn phù hợp để nghỉ dưỡng cuối tuần. Nhưng để trở thành một điểm đến được nhiều người biết tới, chính quyền địa phương và ngành Du lịch tỉnh Thái Bình cần tăng cường xúc tiến quảng bá, đồng thời đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Về phía tỉnh Thái Bình, sau khi phát hiện giá trị quý báu của Hành cung Lỗ Giang, tỉnh có định hướng xây dựng đề án và quy hoạch bảo tồn, đồng thời kết nối Hành cung Lỗ Giang với chuỗi di sản trong tỉnh để vừa bảo tồn, vừa khai thác giá trị di sản, phục vụ cộng đồng.

Mộc Kiều