Làng Hoà Mục
Xã hội - Ngày đăng : 09:35, 16/02/2005
(HNMĐT) - Làng Hòa Mục nay đã trở thành phố phường thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, song vốn là làng Kẻ Đáy - một làng thuộc vùng Mọc cũ, tên chữ là Nhân Mục.
Theo thần tích và lưu truyền dân gian thì làng được hình thành từ thời Hùng Vương.Vào năm 40 sau Công nguyên, làng từng là nơi diễn ra các trận đánh của các tướng Hai Bà Trưng với quân Mã Viện. Có hai nữ tướng của Hai Bà hy sinh tại đây, được dân làng lập miếu thờ, gọi là miếu Hai Cô ả. Hiện trong miếu vẫn còn bia có niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705) ghi việc trùng tu miếu. Trước đây, vào dịp hội, làng rước kiệu ra đây đưa bai vị về đình để tế lễ rồi lại rước trả về.
Làng Hòa Mục còn thờ A Đại nương, tên thật là Phạm Thị Uyển cùng hai em là Phạm Miện và Phạm Huy. Ba chị em là con bà Phùng Thị Thảo - chị ruột của Phùng Hưng ngươif Đường Lâm (Sơn Tây). Năm 721, Phùng Hưng phất cờ khởi nghĩa, ba chị em theo cậu ruột kéo quân về vây và giải phóng thành Đại La. Sau đó, hai ông Phạm Miện, Phạm Huy về làng Kẻ Đáy du ngoạn, thấy kiểu đất đẹp bên bờ sông Tô Lịch bèn dựng hành cung, mua ruộng đất cho làng làm ruộng công để cùng cày cấy. Được ít ngày, hai ông cùng mất (vào ngày mồng 2 tháng Chạp), dân làng lập đền thờ, về sau dựng đình (hiện đình vẫn còn, trùng tu vào năm Duy Tân thứ chín, 1915). Còn bà Phạm Thị Uyển chỉ huy thủy quân đánh nhau với quân nhà Đường. Thế giặc mạnh, Bà phải gieo mình xuống sông Tô Lịch tự vẫn, xác trôi về khúc sông Tô thuộc địa phận làng Kẻ Đáy. Dân làng vớt lên chôn và lập ngôi miếu thờ bên bờ sông, sau cùng thờ tại đình với hai người em của Bà. Hiện miếu và mộ Bà vẫn còn, gọi là Điện Dục Anh. Ngôi miếu do ông Nguyễn Văn Nhã - người làng, làm Tuần phủ Bắc Giang bỏ tiền ra xây dựng vào năm 1944.
Vào năm Bính Dần niên hiệu Đoan Khánh (1506), làng này có người con gái có sắc đẹp được tuyển vào cung, làm Hoàng hậu của Vua Uy Mục. Về sau, theo lưu truyền dân gian, vào năm 1509, Tương Dực nổi dậy giết Uy Mục, bà Tùng phải chạy về làng Hồng Mai (nay thuộc quận Hai Bà Trưng) tự vẫn; quân lính về triệt hạ làng Nhân Mục Môn. Dân làng phải chạy đi khắp nơi, trong đó có dòng họ Nguyễn Viết chạy lên làng Đoài Môn (hay Cử Tây thành Thăng Long, nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy). Sau đó, chỉ có một bộ phận dân trở về làng, nên làng Kẻ Đáy được gọi là Nhân Mục Tàn, hay Tàn Xứ, rồi đổi thành Hòa Mục. Đây là một làng nhỏ, năm 1926 chỉ có 203 nhân khẩu, nhưng vẫn đứng thành một xã độc lập thuộc tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức. Năm 1942 thuộc Đại lý Đặc biệt Hà Nội. Sau Cách mạng Tháng Tám, vẫn là xã độc lập. Năm 1949, làng nhập với hai làng Trung Kính Thượng và Trung Kính Hạ thành xã Trung Kính thuộc quận VI ngoại thành Hà Nội. Năm 1955 xã Trung Kính đổi thành xã Trung Hòa thuộc quận V, năm 1961 thuộc huyện Từ Liêm. Đến năm 1997 xã Trung Kính trở thành phường thuộc quận Cầu Giấy.
Hòa Mục là một làng nhỏ, cả về dân số và diện tích. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, làng chỉ có hơn 40 mẫu ruộng, trong đó, có 10 mẫu ruộng công (ruộng đình, chùa, ruộng lính ...). Do bình quân ruộng đất thấp nên dân làng phải đi mò cua bắt ốc để có thêm nguồn thu nhập. Vào khoảng năm 1930, dân làng học được nghề dệt áo sợi nên làm ăn khá phát đạt, một số nhà đã xây được nhà ngói và góp gạch lát đường làng.
Ngoài đình, miếu, làng Hòa mục còn có ngôi chùa Linh Thông tự, thường gọi là chùa Thông. Vào cuối năm 1946, trước khi cuộc Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, chùa là nơi làm việc của một số bộ trong Chính phủ.
Ngày nay, Hòa Mục cùng với hai làng Trung Kính Thượng và Hạ đã trở thành phố phường với nhiều khu nhà cao tầng mọc lên - khu đô thị Trung Hòa.
TS. Bùi Xuân Đính