Hướng đến mục tiêu chuyển đổi số quốc gia

Xã hội - Ngày đăng : 07:00, 03/05/2020

(HNM) - Dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế - xã hội, song cũng là cơ hội cho phát triển công nghệ số, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Về vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học - đơn vị được Bộ Thông tin và Truyền thông giao là đầu mối phát triển các ứng dụng công nghệ số phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Ông Nguyễn Huy Dũng - Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Góp phần thiết thực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19

- Khi có ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đầu tiên tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kêu gọi cộng đồng công nghệ chung tay phòng, chống dịch... Đâu là lý do mà Bộ nhanh chóng huy động toàn ngành cùng vào cuộc phòng, chống dịch Covid-19?

- Viễn thông phải bảo đảm về thông tin liên lạc, kết nối các bệnh viện, các cơ sở y tế phục vụ quản lý, cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm Covid-19; bảo đảm thông tin liên lạc miễn phí các đường dây nóng phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Báo chí, truyền thông cung cấp cho người dân thông tin đầy đủ, toàn diện về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch, nâng cao nhận thức trong toàn xã hội. Đây cũng là nguồn cung cấp thông tin chính thống, tin cậy, góp phần phòng, chống thông tin xấu, thất thiệt, gây hoang mang cho người dân. Công nghệ thông tin mang đến cho người dân các ứng dụng phòng, chống dịch và các giải pháp làm việc, học tập, khám, chữa bệnh… từ xa đáp ứng yêu cầu giãn cách xã hội trong mùa dịch bệnh…

Ngay từ khi có ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đầu tiên tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định mọi lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành đều sẵn sàng trong công tác phòng, chống dịch bệnh; trong đó, báo chí, truyền thông, công nghệ thông tin phải là những lực lượng trên tuyến đầu. Bộ đã ban hành các chỉ thị chỉ đạo toàn ngành cùng vào cuộc phòng, chống dịch Covid-19, giúp cuộc sống tiếp diễn bình thường và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

- Sau lời kêu gọi của Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp trong ngành đã nghiên cứu, cho ra nhiều ứng dụng công nghệ thông tin thiết thực. Ông có thể giới thiệu cụ thể hơn?

- Hiện nay đang có trên 20 ứng dụng và hệ thống công nghệ thông tin chính thức sử dụng trong phòng, chống dịch Covid-19. Tiêu biểu có thể kể đến ứng dụng khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh Vietnam Health Declaration; ứng dụng khai báo y tế tự nguyện NCOVI; ứng dụng bảo vệ cộng đồng Bluezone.

Việt Nam là một trong những nước tiên phong trong việc sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin để phòng, chống dịch trong toàn dân. Tuy chúng ta không phải quốc gia đầu tiên dùng những giải pháp này, nhưng phần mềm của chúng ta đã khắc phục được hạn chế của những phần mềm trước đó, đồng thời có điều chỉnh phù hợp với tình hình diễn biến thực tế. Đặc biệt, chúng ta tự hào đây là sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Hiện nay đã có nước đề nghị Việt Nam hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các ứng dụng này.

- Vậy Bộ đã có đánh giá về hiệu quả, giá trị đem lại cho người dùng?

- Sau khi các ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 trong cộng đồng được ra mắt, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các đơn vị phát triển, các cơ quan quản lý thường xuyên báo cáo về các số liệu thống kê của ứng dụng như số lượt tải, số lượng bản ghi… Tính đến 17h ngày 2-5-2020, sau gần 2 tháng phát hành ứng dụng NCOVI đã có hơn 7 triệu lượt tải với 16,4 triệu bản khai báo y tế tự nguyện, 4,9 triệu bản ghi quét mã QR. Bluezone đã có 161 nghìn người sử dụng sau 2 tuần phát hành.

Các ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 có ý nghĩa to lớn trong công tác phòng, chống dịch đối với cả người dân và chính quyền. Đây là công cụ giúp kết nối 2 chiều giữa cơ quan y tế và từng người dân. Dữ liệu do người dân cung cấp có giá trị lớn, giúp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 phân tích, dự báo về diễn biến của dịch bệnh và đưa ra các quyết sách cần thiết.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm vào hai mục tiêu

- Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam?

- Tôi cho rằng doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Thực tế, nhiều ứng dụng công nghệ thông tin của chúng ra được phát triển rất nhanh và có giá trị thực tiễn rất cao. Ngoài những ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, chúng ta có rất nhiều ứng dụng khác phục vụ sản xuất, kinh doanh, học tập, làm việc trực tuyến. Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Y tế đã ra mắt nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. Với nền tảng này, các bác sĩ bệnh viện tuyến trung ương có thể hỗ trợ, cùng bệnh viện tuyến dưới hội chẩn, khám, chữa bệnh. Người dân, thông qua nền tảng này có thể yêu cầu khám, tư vấn mà không cần phải đến bệnh viện… Phát triển công nghệ số là xu hướng chung. Dịch Covid-19 là cơ hội để thúc đẩy sự phát triển đó nhanh hơn. Và đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ phát triển hơn nữa.

- Năm 2020 được xác định là năm chuyển đổi số quốc gia, xin ông cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã, đang triển khai nhiệm vụ này như thế nào? Mục tiêu cụ thể của Chương trình chuyển đổi số quốc gia là gì?

- Bộ Thông tin và Truyền thông được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch chuyển đổi số quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy, để chuyển đổi số quốc gia cần một văn bản vừa mang tính chiến lược, vừa mang tính kế hoạch hành động; các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp căn cứ vào đó để xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch chuyển đổi số của mình. Do vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành xây dựng dự thảo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và trình Thủ tướng Chính phủ vào ngày 24-4 vừa qua.

Dự thảo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đặt ra tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu với các nhóm chỉ số cơ bản định lượng cho từng giai đoạn đến năm 2025, đến năm 2030 về dịch vụ công trực tuyến, hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng, cơ sở dữ liệu quốc gia, xếp hạng về chính phủ điện tử, chỉ số cạnh tranh, chỉ số đổi mới sáng tạo, hạ tầng viễn thông, an toàn, an ninh mạng.

Chương trình đặt ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn để tạo nền móng cho chuyển đổi số gồm: Chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng số; tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số. Chương trình cũng đã đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

- Để triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin phải cần năng lực mạng lưới bảo đảm. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có yêu cầu gì với các doanh nghiệp có hạ tầng mạng?

- Ngay từ tháng 1-2020, các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai mở rộng bảo đảm chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt bảo đảm năng lực mạng lưới, chất lượng dịch vụ phục vụ ứng phó dịch Covid-19.

Trong giai đoạn cách ly xã hội từ ngày 1 đến 22-4, nhu cầu thông tin, học tập và làm việc từ xa, giải trí và các dịch vụ trực tuyến... đều tăng mạnh, khiến hạ tầng mạng viễn thông cố định, di động gặp áp lực trong việc phục vụ nhu cầu của người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Lưu lượng truy cập internet tại Việt Nam trong tháng 3-2020 đã tăng cao, đặc biệt là sau khi thực hiện cách ly toàn xã hội, có khoảng 90% lưu lượng sử dụng tập trung vào các ứng dụng hội nghị, làm việc, dạy và học, giải trí… trực tuyến. Để đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc thông suốt của chính quyền các cấp cũng như nhu cầu của người dân, tổ chức và doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng, bảo đảm thông tin liên lạc. Đồng thời, yêu cầu các nhà mạng bảo đảm chất lượng dịch vụ, trong đó có việc phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và sẵn sàng cho các ứng dụng số...

Thực tế, theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp đã đồng hành cùng toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch Covid-19; tích cực xây dựng, rà soát cập nhật và đưa vào triển khai đồng bộ các phương án vận hành mạng lưới giữ liên lạc thông suốt, phục vụ việc chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm chất lượng dịch vụ viễn thông trong mọi tình huống. Những nỗ lực của các nhà mạng có thể kể đến như từ ngày 1-4, Viettel nâng băng thông lên gấp 2 lần cho khách hàng đang sử dụng dịch vụ internet cáp quang; VNPT bổ sung 18% tổng số trạm và 35% dung lượng mạng băng rộng cố định để đáp ứng nhu cầu của khách hàng...

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy nhanh việc mở rộng năng lực mạng lưới viễn thông, như triển khai kết nối băng thông rộng cố định, di động, triển khai mạng 5G… bảo đảm đáp ứng nhu cầu cung cấp và sử dụng dịch vụ, làm nền tảng cho việc chuyển đổi số.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Việt Nga