Thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực giữ ổn định thị trường
Kinh tế - Ngày đăng : 07:37, 04/05/2020
Cung ứng đầy đủ, kịp thời
Chị Phan Thị Kim Hồng (ngụ phường Bình Thuận, quận 7) cho biết, gia đình chị có 4 nhân khẩu. Dịch Covid-19 xảy ra đã ảnh hưởng phần nào đến nguồn thu nhập của gia đình. Tuy nhiên, nhờ chi tiêu hợp lý, gia đình chị vẫn mua sắm được đầy đủ hàng tiêu dùng thiết yếu. “Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, tôi chưa thấy khan hiếm mặt hàng tiêu dùng nào, giá cả vẫn giữ ổn định. Chính vì vậy, gia đình tôi vẫn duy trì mua sắm như trước đây”, chị Kim Hồng nói.
Theo thống kê, thành phố Hồ Chí Minh hiện có 238 chợ, 202 siêu thị, 49 trung tâm thương mại, 2.656 cửa hàng tiện lợi. Nhờ hệ thống phân phối rộng khắp này nên dù trong giai đoạn dịch Covid-19, trên địa bàn thành phố không xảy ra tình trạng khan hàng, “sốt” giá, qua đó giữ được mặt bằng giá cả ổn định. Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm 2020, nhiều ngành sản xuất, kinh doanh tại thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng riêng nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến..., vẫn rất dồi dào, phong phú, cung bảo đảm cầu, giá cả ổn định.
Thông tin về tình hình cung cấp hàng hóa, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp chủ lực trên địa bàn đã có chiến lược tăng nguồn hàng dự trữ, thiết lập thêm kênh cung ứng và phân phối hàng hóa ra thị trường đầy đủ, kịp thời, giúp hoạt động mua sắm hàng hóa thiếu yếu của người dân vẫn diễn ra bình thường, không có sự xáo trộn. "Hiện, nguồn hàng lương thực, thực phẩm tại thời điểm này đã tăng thêm 30-50%, bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ của người dân thành phố đến hết quý II-2020", bà Lý Kim Chi thông tin.
Theo Công ty cổ phần Sài Gòn Food, đối với các mặt hàng hải sản chế biến, hải sản đông lạnh…, công ty đã tăng công suất lên 30 tấn/ngày nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng của thị trường. Còn đại diện Công ty cổ phần Ba Huân cho biết, công ty đã tăng gấp đôi công suất sản xuất thịt gia cầm, trứng. Riêng mặt hàng trứng, công ty cam kết cung ứng đầy đủ tại thị trường khu vực phía Nam (dự kiến đạt 1 triệu quả trứng/ngày) và có thể giảm giá bán để kích cầu tiêu dùng.
Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, có được kết quả trên là do 3 yếu tố chính: Người dân điều tiết cơ cấu chi tiêu theo hướng bảo đảm tiêu dùng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; thành phố có hệ thống phân phối đa dạng, cả truyền thống và hiện đại; năng lực và sự cam kết đáp ứng nguồn hàng của các doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn thành phố.
Đưa khẩu trang vào nhóm hàng bình ổn thị trường
Trong bối cảnh dịch Covid-19, để chủ động bảo đảm cung cầu hàng hóa, giữ ổn định thị trường, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện Chương trình bình ổn thị trường năm 2020 và Tết Tân Sửu 2021. Theo đó, ngoài 10 nhóm hàng hóa bình ổn thiết yếu hằng năm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân như lương thực, đường, dầu ăn, thịt gia súc, trứng gia cầm... thì lần đầu tiên mặt hàng khẩu trang các loại (trừ khẩu trang y tế) và nước rửa tay sát khuẩn được đưa vào diện hàng bình ổn thị trường của thành phố.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Chương trình bình ổn thị trường năm 2020 và Tết Tân Sửu 2021 được triển khai theo hướng xã hội hóa, khai thác tối đa tiềm năng các nguồn lực xã hội. “Hàng hóa tham gia chương trình phải là sản phẩm được sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ, an toàn thực phẩm. Đây là cơ hội để doanh nghiệp trong nước nói chung, doanh nghiệp thành phố nói riêng khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng. Qua đó, giúp phục hồi kinh tế sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát”, ông Trần Vĩnh Tuyến nói.
Triển khai thực hiện chương trình, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động trong xây dựng các phương án bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu. "Trong bối cảnh cần thúc đẩy phục hồi sản xuất, kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Công Thương thành phố trong quý II-2020 là tiếp tục chủ động, bám sát tình hình để bảo đảm ổn định thị trường hàng hóa tiêu dùng", ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hàng hóa bình ổn thị trường, thành phố Hồ Chí Minh đã khuyến khích doanh nghiệp phát triển các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi và tăng số điểm bán tại các chợ truyền thống, trên địa bàn các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, các khu vực vùng ven, ngoại thành. Bên cạnh đó, thành phố kêu gọi doanh nghiệp chú trọng tổ chức các chuyến bán hàng lưu động, đẩy mạnh cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường đến các bếp ăn tập thể. "Để giữ vững cung cầu, các doanh nghiệp đã cam kết không tăng giá, sẵn sàng cung ứng vượt 30-50% kế hoạch thành phố giao", ông Phạm Thành Kiên thông tin.