Giải ''bài toán'' thức ăn chăn nuôi
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:37, 04/05/2020
Nguồn cung thức ăn chăn nuôi giảm
Chăn nuôi chiếm 46% tỷ trọng nông nghiệp Hà Nội, do vậy, sản xuất thức ăn chăn nuôi có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, số lượng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn đang giảm đáng kể. Tính đến hết tháng 4-2020, thành phố có 31 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, giảm 20,5% so với năm 2019 (39 cơ sở). Mặt khác, trên địa bàn Hà Nội có một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhưng đều đang phải giảm công suất.
Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam Vũ Anh Tuấn cho biết, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của công ty ở huyện Chương Mỹ có công suất 720.000 tấn/năm, nhưng hiện chỉ giữ được mức 600.000 tấn/năm.
Còn theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Tân Phương Đông ở huyện Thường Tín Nguyễn Quang Đại, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của công ty chỉ đạt 40-50% công suất. Trong khi đó, ông Phùng Tiểu Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH New Hope Hà Nội thông tin: “Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đang nhập khẩu hơn 70% nguyên liệu từ nước ngoài, trong đó chủ yếu từ châu Mỹ và châu Âu. Nếu dịch Covid-19 kéo dài, giá cả leo thang, trong nước không có nguồn nguyên liệu thay thế sẽ dẫn đến sản xuất đình trệ…”.
Do nguồn cung giảm, nên thời gian qua giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường đã tăng đáng kể. Anh Nguyễn Gia Hùng, hộ chăn nuôi ở xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) cho biết: "Khoảng 2 tháng gần đây, giá thức ăn chăn nuôi (bao 25kg) đã tăng từ 255.000 đồng lên 270.000 đồng/bao, khiến giá thịt lợn hơi cũng tăng cao. Nếu không có giải pháp can thiệp giảm giá thức ăn chăn nuôi, rất khó để giảm giá thành thịt lợn trên thị trường”.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, số lượng doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi không nhiều, lại phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (70%-80%). Do vậy, khi dịch Covid-19 lan rộng ra nhiều quốc gia, giá cả leo thang trong khi trong nước không có nguồn nguyên liệu thay thế. Chưa kể bệnh Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, kéo dài trước đó đã khiến một số cơ sở sản xuất không tìm được đầu ra nên sản xuất cầm chừng...
"Nhiều doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi cho rằng, trong khi sản xuất ngô và đậu tương trong nước (hai thành phần chính trong thức ăn chăn nuôi) không đủ cho nhu cầu của các nhà máy thì việc áp thuế nhập khẩu 2% và 5% là quá cao, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh", ông Chu Phú Mỹ nói.
Cùng "hóa giải" khó khăn
Hà Nội đang thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, một trong những dư địa lớn cần tập trung thúc đẩy phát triển là lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi bởi đây là ngành có khả năng phục hồi nhanh chóng, giúp sản xuất nông nghiệp lấy lại đà tăng trưởng.
Hiện, thành phố đang tích cực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi vượt qua thách thức, đặc biệt là việc bảo đảm các điều kiện thiết yếu (điện, nước...) để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi yên tâm sản xuất; tạo điều kiện lưu thông, vận chuyển hàng hóa từ cảng về nhà máy, các trang trại chăn nuôi…
Đối với nguồn nguyên liệu, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, tại cuộc làm việc mới đây với các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đang kiến nghị Bộ NN&PTNT tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp kết nối với những nơi có nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lớn như Nga và một số nước châu Âu (thay vì Nam Mỹ và Bắc Mỹ). Đồng thời, thành phố có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét việc giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu (ngô, đậu tương) giúp các doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm. Liên quan đến nguồn vốn, thành phố sẽ kiến nghị ngân hàng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi vay vốn theo dự án và chỉ đạo các sở, ngành xem xét, từ đó đề xuất thành phố có chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay.
Về phía cơ quan chức năng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, cùng với đẩy mạnh tái đàn, xây dựng chuỗi chăn nuôi khép kín…, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ hỗ trợ các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi tiếp cận nguồn nguyên liệu từ các địa phương khác nhằm đáp ứng nguồn cung, phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của thành phố, các doanh nghiệp cũng cần chủ động để thích ứng với bối cảnh phát triển mới. Trước mắt là theo dõi chặt chẽ thông tin liên quan đến sản xuất lúa mì... của châu Âu để cân đối nguồn nguyên liệu.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tân Phương Đông Nguyễn Quang Đại bày tỏ, các giải pháp đồng hành của thành phố có ý nghĩa thiết thực giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Với sự vào cuộc quyết liệt của thành phố và sự chủ động của các doanh nghiệp, “bài toán” thức ăn chăn nuôi sẽ được giải quyết, từ đó thúc đẩy phát triển chăn nuôi, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng 4,04% trong năm 2020 của ngành Nông nghiệp Thủ đô.