Hỗ trợ tăng sức ''đề kháng'' của doanh nghiệp, hạn chế nguy cơ phá sản

Kinh tế - Ngày đăng : 13:14, 05/05/2020

(HNMO) - Ngày 5-5, UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm trực tuyến “Khôi phục và phát triển kinh tế thành phố Hồ Chí Minh năm 2020”.

Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại tọa đàm.

Ngay lập tức khôi phục kinh tế

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, trong quý I-2020, thực hiện nghiêm yêu cầu giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, đã tác động rất lớn đến sự tăng trưởng của kinh tế thành phố. Thành phố chỉ đạt mức tăng trưởng 0,42% so với cùng kỳ năm 2019, thấp nhất kể từ năm 1986 đến nay.

Với vai trò là đầu tàu, dẫn dắt kinh tế của vùng và cả nước, thành phố luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn cả nước trung bình từ 1,1-1,2 lần trong một thời gian dài, sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế thành phố có nhiều tác động đến sự tăng trưởng chung của cả nước.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, tập trung mọi nguồn lực và giải pháp để khôi phục và phát triển kinh tế là mệnh lệnh cần phải làm ngay trong bối cảnh hiện nay để vực dậy tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Tiến sĩ Trần Du Lịch (thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ) cho rằng, khi sự tác động bên ngoài tích cực thì kinh tế thành phố Hồ Chí Minh bứt phá rất nhanh, nhưng khi có tác động bên ngoài tiêu cực thì ngược lại. Dịch Covid-19 là tác động bên ngoài, gây ảnh hưởng mạnh, khiến chưa bao giờ kinh tế thành phố suy giảm như lúc này.

Tiến sĩ Trần Du Lịch nhận định, việc xác định mở lại các hoạt động kinh tế bình thường ở biên độ nào là rất quan trọng. “Giai đoạn bình thường mới không làm cản trở các hoạt động kinh tế là yêu cầu cần thiết”, Tiến sĩ Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Còn theo ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu, phát triển thành phố Hồ Chí Minh, hơn 262.000 doanh nghiệp tại thành phố đã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Để có thể bật tăng trở lại trong năm 2021, các doanh nghiệp cần được "tiếp sức" từ các chính sách hỗ trợ, ưu đãi không chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh mà còn trên phạm vi toàn quốc.

 Quang cảnh tọa đàm.

Hoạt động bình thường từ tháng 7-2020

Tại tọa đàm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thành phố sẽ phấn đấu trở lại các hoạt động bình thường từ tháng 7-2020, với quy mô và mức độ như thời điểm trước dịch.

Theo Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Việt Nam cần mở cửa kinh tế, du lịch với từng nước với điều kiện cụ thể và vào thời điểm khác nhau từ tháng 5 đến tháng 12-2020, nhưng phải phát hiện và kiểm soát kịp thời nguy cơ lây nhiễm của trên 6 triệu khách du lịch nước ngoài có thể vào Việt Nam trong thời gian này.

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu ngăn chặn nguy cơ phá sản của doanh nghiệp, với các giải pháp như: Hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động (tháng 5 và 6-2020); hỗ trợ bảo đảm tính thanh khoản của doanh nghiệp; hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa gần 100 triệu dân.

Cùng với đó, thành phố ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu.

Ngoài ra, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thúc đẩy số hóa tài nguyên của các doanh nghiệp, hoàn thành cơ sở dữ liệu số của các ngành kinh tế, hạ tầng của thành phố và triển khai quản trị thông minh ở các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước; đẩy mạnh thực hiện thành phố thông minh.

“Thành phố có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất cả nước, trong đó phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối tượng này rất dễ bị tổn thương do tác động của dịch Covid-19. Chính vì vậy, mục tiêu trước mắt của các giải pháp hỗ trợ là nhằm giúp doanh nghiệp tăng sức đề kháng, hạn chế phá sản đến mức thấp nhất”, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Nguyễn Lê