Dịch Covid-19: Pháp phát hiện một ca mắc từ tháng 12-2019

Thế giới - Ngày đăng : 06:30, 06/05/2020

(HNMO) - Một nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp được công bố ngày 5-5 cho thấy, một người đàn ông đã bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 sớm nhất là vào ngày 27-12-2019, gần một tháng trước khi Pháp xác nhận các trường hợp đầu tiên. Điều này có thể rất quan trọng trong việc đánh giá vi rút SARS-CoV-2 xuất hiện từ khi nào và ở đâu.

Ấn Độ đã đánh thuế rượu lên đến 70% nhằm tránh việc tụ tập đông người ở các cửa hàng.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h ngày 6-5 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới là 3.722.692 ca, trong đó có 257.896 ca tử vong.

Châu Âu

Các nhà nghiên cứu Pháp đã kiểm tra lại mẫu bệnh phẩm của 24 bệnh nhân được điều trị vào tháng 12-2019 và tháng 1-2020, những người đã có kết quả xét nghiệm âm tính với cúm trước khi Covid-19 diễn tiến thành đại dịch. Theo đó, một bệnh nhân 42 tuổi sinh ở Algeria, sống ở Pháp từ nhiều năm nay và làm nghề bán cá, đã bị mắc Covid-19. Tuy nhiên, người đàn ông này không hề đi du lịch nước ngoài trong nhiều tháng trước khi ngã bệnh, và không biết mình có thể bị mắc bệnh ở đâu. Vợ ông làm việc tại một cửa hàng bán lẻ gần sân bay Paris và thường xuyên tiếp xúc với du khách nước ngoài.

Đối với giới nghiên cứu, còn quá sớm để khẳng định người đàn ông này là "bệnh nhân số 0" của Pháp. Tuy vậy, việc xác định bệnh nhân bị nhiễm đầu tiên rất đáng quan tâm về mặt dịch tễ học, vì nó thay đổi đáng kể kiến thức về SARS-CoV-2 và sự lây lan ở Pháp. Trong khi đó, ngày 5-5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, báo cáo về việc Covid-19 đã xuất hiện vào tháng 12-2019 ở Pháp, sớm hơn so với suy nghĩ trước đây, là "không đáng ngạc nhiên", và kêu gọi các nước điều tra bất kỳ trường hợp đáng ngờ nào khác.  

Tính đến sáng 6-5, số ca tử vong do SARS-CoV-2 tại Pháp đã lên tới 25.531 người (tăng 330 ca trong 24 giờ) trong tổng số 170.551 trường hợp mắc Covid-19. Thị trưởng Paris Anne Hidalgo thông báo hàng loạt biện pháp chuẩn bị cho ngày dỡ bỏ phong tỏa 11-5, theo đó thủ đô của Pháp sẽ có khoảng 30 phố đi bộ mới và 50 km đường dành cho xe đạp. Để hạn chế số lượng xe ô tô trong thành phố, chính quyền Paris đang sắp xếp để có thể tăng gấp đôi số chỗ đỗ xe tại các cửa ngõ vào thành phố. 

Ngày 5-5, Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết, trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 185 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại nước này lên 25.613 ca. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Tây Ban Nha có số ca tử vong hằng ngày dưới 200 người. Số ca nhiễm mới đã tăng từ 218.011 ca lên 219.329 ca.

Cùng ngày, chính quyền bang Bayern của Đức đã thông qua kế hoạch nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm dần đưa cuộc sống tại bang miền Nam nước Đức trở lại bình thường. Bắt đầu từ hôm nay (6-5), người dân ở Bayern sẽ không còn bị hạn chế đi lại, nhưng sẽ vẫn bị hạn chế tiếp xúc như giữ khoảng cách tối thiểu và cấm gặp gỡ trên 2 người, trừ là thành viên trong gia đình.

Tại Nga, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp khi tính đến sáng 6-5, nước này đã ghi nhận 10.102 ca nhiễm mới tại 83 chủ thể liên bang, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 155.370.    

Châu Á

Tại Iran, nước này ghi nhận thêm 1.323 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 99.970. Số ca tử vong đã tăng thêm 63 ca, lên 6.340 ca. Mặc dù là quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất tại Trung Đông, song những ngày qua, số ca nhiễm và tử vong tại Iran đã giảm đáng kể. Hiện đã có gần 80.500 ca phục hồi và chỉ còn 2.685 ca trong tình trạng nguy kịch. 

Các nhà chức trách thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã áp đặt một loại thuế đặc biệt, lên tới 70% đối với việc mua rượu lẻ, có hiệu lực từ ngày 6-5, nhằm tránh việc tụ tập đông người ở các cửa hàng sau khi chính quyền bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa kéo dài 6 tuần qua nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ký sắc lệnh hoãn cuộc bầu cử khu vực dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới do dịch Covid-19. Cuộc bầu cử này sẽ được hoãn tới tháng 12 do “thảm họa phi tự nhiên” và sẽ tiếp tục được hoãn nếu đến thời điểm đó, dịch bệnh vẫn chưa kết thúc.

Dù nhiều ngày liên tiếp Campuchia không ghi nhận ca mắc Covid-19 nào, song ngày 5-5, đại diện WHO cảnh báo làn sóng thứ hai bùng phát dịch Covid-19 vẫn có nguy cơ xảy ra tại Campuchia dù nước này đã ứng phó tốt với làn sóng thứ nhất.

Châu Mỹ

Một trường công lập ở tiểu bang Montana sẽ trở thành một trong những trường đầu tiên mở cửa trở lại tại Mỹ sau khi phải đóng cửa do đại dịch Covid-19. Trường Willow Creek với 56 học sinh và 18 nhân viên đã bị đóng cửa gần hai tháng và sẽ mở cửa trở lại vào ngày 7-5. Tuy nhiên, học sinh sẽ được yêu cầu đo nhiệt độ trước khi vào trường hoặc lên xe buýt, các bàn học được kê cách nhau gần 2m. Giờ ăn trưa cũng sẽ được đặt so le để tránh việc tụ tập đông người, trong khi giờ giải lao sẽ được tổ chức trên sân bóng đá và sân bóng rổ để tuân thủ các hướng dẫn giãn cách.

Hội đồng Bộ trưởng Cuba ngày 4-5 đã phê duyệt chương trình điều chỉnh Kế hoạch Kinh tế năm 2020 của nước này cũng như các chỉ dẫn cho việc chuẩn bị Kế hoạch và ngân sách cho năm 2021. Tại cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Miguel Diaz-Canel và Thủ tướng Manuel Marrero, Hội đồng Bộ trưởng Cuba đã đưa ra các đề xuất hành động để đối phó một cách có tổ chức với những tác động do đại dịch Covid-19, tạo điều kiện cho sự phục hồi nền kinh tế sau đại dịch. 

Kim Phượng