Tình trạng mất cắp cổ vật tại di tích: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Văn hóa - Ngày đăng : 06:19, 06/05/2020

(HNM) - Trong vòng chưa đầy một tháng, Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ trộm cắp cổ vật, đồ thờ tự tại nhiều di tích. Điều này một lần nữa làm dấy lên những lo ngại về công tác bảo quản, bảo vệ di sản, trên địa bàn Thủ đô cũng như cả nước còn nhiều tồn tại, hạn chế. Thực tế này đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ, không để tiếp diễn tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Đình Đại Định (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai), nơi mất nhiều cổ vật quý giá thời gian qua.

Nhiều cổ vật "không cánh mà bay"

Trong thời gian chưa đầy một tháng, tại huyện Thanh Oai liên tiếp xảy ra những vụ mất cắp khó hiểu. Tại chùa Bối Khê (xã Tam Hưng) ngày 13-3, kẻ gian đột nhập, lấy đi pho tượng Thích Ca đản sinh bằng đồng màu đen. Ngày 16-3, cũng tại xã này, kẻ gian cắt khóa, phá cửa đình Đại Định lấy đi hai bộ chấp kích, gồm 16 hiện vật, cùng hai đỉnh đồng, hai cây nến đồng và một bình sứ cổ. Đến ngày 29-3, chùa Dư Dự (xã Thanh Thùy), bị kẻ trộm lấy mất một chuông đồng và hai bát hương. Một chuông đồng khác cũng bị mất cắp tại chùa Từ Châu (xã Liên Châu) vào ngày 11-4. Như vậy, từ ngày 13-3 đến ngày 11-4, đã có 26 cổ vật, đồ thờ tự tại nhiều di tích trên địa bàn huyện Thanh Oai bị kẻ gian lấy mất.

Theo Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Thanh Oai Nguyễn Đình Mạnh, kẻ gian đã lợi dụng thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ít người tới đình, chùa để lấy cắp cổ vật. Mặt khác, trên địa bàn huyện nhiều năm nay không xảy ra các vụ mất cắp cổ vật tại di tích, nên người dân có phần mất cảnh giác. Và trong khi công tác bảo đảm an ninh còn chưa được tốt thì có đến 90% số di tích chưa được trang bị thiết bị báo động, camera chống trộm... Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hưng Nguyễn Văn Hợp, chế độ chi trả cho người trông coi di tích còn thấp (200.000 đồng/người/tháng) nên việc bảo quản, bảo vệ hiện vật phụ thuộc nhiều vào sự nhiệt tình của đội ngũ này. Chưa kể, hầu hết người trông coi di tích tuổi đã cao nên cũng có những hạn chế nhất định.

Đây không phải là lần đầu tiên hiện tượng cổ vật "không cánh mà bay" xảy ra ở Hà Nội. Nhiều năm trước, tình trạng này đã diễn ra ở Đình Thanh Trì (quận Hoàng Mai); chùa Phù Lưu (huyện Ứng Hòa)... Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là hoạt động của Ban Quản lý di tích cấp xã, phường, thị trấn còn lỏng lẻo, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền cơ sở về công tác này chưa được chú trọng. Nhiều di tích chưa có sổ theo dõi di vật, cổ vật, chưa lập được hồ sơ khoa học để kiểm kê, bảo quản cũng như có phương án bảo vệ phù hợp...

Tăng cường bảo vệ cổ vật 

Trước tình trạng nêu trên, mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ điều tra, xử lý nghiêm việc mất trộm cổ vật; tăng cường tuần tra, canh gác, hướng dẫn việc lắp đặt thiết bị bảo vệ, nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm di tích. Chủ tịch UBND thành phố cũng giao Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đôn đốc, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý về tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (tại Công văn số 5186/VP-KGVX ngày 6-6-2019), báo cáo kết quả thực hiện với Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội trước ngày 15-5-2020.

Trước đó, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng có ý kiến chỉ đạo về việc mất trộm cổ vật tại nhiều di tích trên địa bàn Hà Nội. Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền đề nghị, Hà Nội đẩy mạnh kiểm kê hiện vật tại các di tích bị mất cắp; đề xuất biện pháp bảo vệ di tích, trong đó quy định rõ trách nhiệm cấp xã đối với việc bảo vệ di tích.

Theo Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, việc kiểm kê, làm hồ sơ đăng ký cho cổ vật giúp cơ quan điều tra dễ dàng nắm thông tin, lần theo đường đi của cổ vật sau khi bị mất trộm cũng như là cơ sở để cổ vật được trao trả lại cho nơi sở hữu. Điều quan trọng là phải nâng cao ý thức bảo vệ cổ vật ở địa phương, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”...

Liên quan đến vấn đề này, các ban, ngành liên quan của thành phố Hà Nội đã khẩn trương vào cuộc, phối hợp với các địa phương rà soát, chấn chỉnh công tác trông coi, bảo vệ di tích, bổ sung biện pháp an ninh, như: Tăng cường tuần tra, bảo vệ, lắp đặt thiết bị chống trộm... Tại huyện Thanh Oai, lực lượng công an xã đã trực tiếp xuống từng di tích vận động, hướng dẫn Ban Quản lý di tích lắp đặt khóa chống trộm, khóa báo động, tường rào bảo vệ... Trung tá Nguyễn Minh Quang, Đội trưởng Đội Chống tội phạm cướp và cướp giật tài sản (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, những người có trách nhiệm quản lý di tích cần phối hợp tích cực hơn với chính quyền địa phương, lực lượng công an cơ sở trong nắm bắt tình hình cổ vật, đồ thờ tự tại các di tích để có phương án bảo vệ hiệu quả. Với các cổ vật có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, các đồ độc bản, có thể đặt làm bản sao và trưng bày bản sao của cổ vật…

Để công tác bảo đảm an ninh tại các di tích hiệu quả hơn, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền, thời gian tới, các địa phương cần củng cố, kiện toàn lại những tiểu ban quản lý hoạt động yếu kém để tăng cường hiệu quả quản lý, bảo vệ di sản; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc bảo vệ di tích, hiện vật; tăng cường công tác xã hội hóa trong tu bổ, bảo quản, bảo vệ di tích, hiện vật và phát huy tinh thần bảo vệ di sản hơn nữa trong cộng đồng.

Nguyễn Thanh