Bài học cũ trong tình hình mới

Góc nhìn - Ngày đăng : 11:46, 07/05/2020

(HNMCT) - Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong 4 ngày của kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, toàn quốc xảy ra 133 vụ tai nạn giao thông làm chết 79 người, bị thương 76 người. Như vậy, trung bình mỗi ngày trong đợt nghỉ lễ này có 20 người chết vì tai nạn giao thông.

Những ngày nghỉ lễ vừa qua là một kỳ nghỉ đặc biệt, đánh dấu sự trở lại cuộc sống của người dân trong trạng thái “bình thường mới” khi đại dịch Covid-19 ở nước ta đang được ngăn chặn khá hiệu quả và các biện pháp giãn cách xã hội từng bước được nới lỏng. Nhìn lại để thấy rằng, có được một kỳ nghỉ lễ như bình thường, tất nhiên là với những điều kiện nhất định của phòng, chống dịch bệnh, thực sự là một nỗ lực to lớn của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân. Đáng nói hơn, suốt thời gian qua các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch đã không quản vất vả ngày đêm để chăm sóc, điều trị bệnh nhân, mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho biết bao gia đình và sự an toàn của cả cộng đồng.

Thế nhưng, chỉ mấy ngày sau khi quy định giãn cách xã hội được nới lỏng, giao thông liên tỉnh, nội tỉnh hoạt động trở lại, người dân bắt đầu ra đường thì tai nạn giao thông đã cướp đi mạng sống của 79 người, để lại những nỗi đau khó bù đắp cho nhiều gia đình. Nguyên nhân phần lớn vẫn do chủ quan của người điều khiển phương tiện với các lỗi phổ biến như phóng nhanh vượt ẩu, đi sai làn đường... Đáng nói là trong hơn 29.000 trường hợp vi phạm giao thông bị xử lý trong 4 ngày nghỉ lễ vừa qua, có tới 1.830 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn...

Từ câu chuyện nói trên, dễ thấy có nhiều bài học cần nhớ và thực hiện triệt để. Đại dịch Covid-19 đặt ra cho chúng ta yêu cầu phải thay đổi cách ứng xử của mình theo hướng văn minh hơn trên nhiều phương diện để có thể tồn tại và xây dựng cuộc sống tốt hơn.

Văn hóa giao thông là một ví dụ. Bất chấp nhiều nỗ lực của các cơ quan chức năng và phần lớn người dân, vi phạm trong lĩnh vực này vẫn xảy ra ở một bộ phận người tham gia giao thông. Và tình trạng này chỉ có thể hạn chế tối đa khi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông trở thành nền nếp, thành thói quen, phản xạ tự nhiên, kiểu như “Đã uống rượu bia thì không lái xe”. Điều này cần nhiều thời gian, công sức để xây dựng.

Tuy nhiên, như đã nói, có những bài học đòi hỏi lập tức trở thành yêu cầu bắt buộc trước lựa chọn sống còn của con người trong cuộc chiến với đại dịch. Chẳng hạn như “không khạc nhổ bừa bãi”, một nội dung trong hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 trên phương tiện giao thông của ngành Giao thông - Vận tải, vốn là yêu cầu tối thiểu ở nơi công cộng song lâu nay bị xem nhẹ và bài học này chỉ thực sự thức tỉnh trong mỗi người khi chúng ta phải đối mặt với nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hay việc đi bên phải đường, đi đúng làn đường, vốn "nằm lòng" với nhiều người qua bài hát từ buổi đầu đi học nhưng không phải lúc nào cũng được duy trì trong thực tế.

Còn nhiều hành vi khác vốn là những bài học giản dị, không xa lạ với cộng đồng mà vô cùng quan trọng, song lại chỉ được thực hiện một cách tự giác hơn khi mỗi người đứng trước sự đe dọa của dịch bệnh, đơn cử như là bài học "ăn chín uống sôi", rửa tay sạch sẽ, giữ vệ sinh môi trường...

Nhìn rộng ra, thành công bước đầu của Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19 đều bắt nguồn từ việc cả hệ thống chính trị và mọi người dân chung sức thực hiện những bài học cơ bản, những giá trị cốt lõi của dân tộc như tinh thần "tương thân, tương ái", "lá lành đùm lá rách", lòng yêu nước, ý chí kiên cường mỗi khi đất nước lâm nguy... Bản thân lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc” cũng bao hàm những chỉ dẫn về việc huy động những phẩm chất tốt đẹp đó trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.

Diễn biến của dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp, cùng với đó, theo dự báo của các nhà khoa học, nhân loại sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức khó lường khác như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường... Việt Nam không nằm ngoài bối cảnh chung ấy, và điều này cũng có nghĩa là chúng ta cần cùng nhau thay đổi hành vi, chung tay thực hiện những điều giản dị mà ý nghĩa - những bài học cũ nhưng vô cùng quan trọng trong tình hình mới.

Hà An