Australia kêu gọi G20 ủng hộ điều tra độc lập về Covid-19

Thế giới - Ngày đăng : 18:57, 07/05/2020

(HNMO) - Tính đến 18h30 ngày 7-5, toàn thế giới có 3.843.187 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 265.657 trường hợp tử vong và 1.314.421 người đã hồi phục.

Nga đã trở thành quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ năm thế giới.

Đề cập một số ca tái dương tính sau khi xuất viện, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, thực chất những người này đang trong quá trình đào thải số vi rút còn sót lại trong phổi như một phần trong quá trình phục hồi chứ không phải tái nhiễm.

Châu Mỹ

Ngày 6-5, phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định, đại dịch Covid-19 là vụ tấn công tồi tệ nhất mà nước Mỹ từng trải qua và đã tàn phá nước này nặng nề hơn nhiều so với trận chiến ở Trân Châu Cảng thời Chiến tranh thế giới thứ hai hay các vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Mỹ đã bổ sung khoản tiền trị giá 128 triệu USD cho hỗ trợ nhân đạo và y tế toàn cầu nhằm chống đại dịch Covid-19, tiếp tục thể hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu của xứ Cờ hoa trong ứng phó với khủng hoảng. Khoản tiền này gồm ngân sách cho y tế toàn cầu nhằm hỗ trợ cho việc phòng ngừa, phát hiện và kiểm soát vi rút SARS-CoV-2 và giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 đối với người tị nạn và người di cư dễ bị tổn thương.

Ngày 6-5, Chủ tịch Ủy ban Ngân khố Canada Jean-Yves Duclos cho biết, quân đội nước này đã điều động 760 binh sĩ đến hỗ trợ 13 cơ sở chăm sóc người cao tuổi tại 2 tỉnh bang Ontario và Quebec và dự kiến sẽ triển khai binh sĩ tới ít nhất 7 viện dưỡng lão nữa, nâng tổng số binh sĩ được điều động lên 1.000 người. Ước tính 79% số ca tử vong do Covid-19 ở Canada liên quan đến việc bùng phát dịch tại các viện dưỡng lão.

Châu Âu

Ngày 7-5, Nga tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới tăng kỷ lục với 11.231 trường hợp dương tính và 88 người tử vong, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 tại nước này lên 177.160 người, trong đó có 1.625 ca tử vong. Như vậy, Nga đã trở thành quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ năm trên thế giới.

Theo Ngân hàng trung ương Anh (BoE), nền kinh tế Anh có thể đang tiến tới gần tình trạng tồi tệ nhất trong vòng 300 năm qua do những ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng thời, để ngỏ khả năng thực hiện thêm các biện pháp kích thích tài chính vào tháng tới. Theo kịch bản mà BoE đề ra, nền kinh tế của Anh có thể suy giảm tới 25% trong vòng 3 tháng, tính đến tháng 6 và tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng hơn gấp đôi lên đến 9% lực lượng lao động.

Trong năm 2020, sự suy giảm này có thể ở mức 14% - mức giảm lớn nhất kể từ năm 1709. Song kịch bản này cũng đưa ra triển vọng về sự hồi phục kinh tế mạnh mẽ vào năm 2021 với mức tăng trưởng 15% nếu các biện pháp phong tỏa dần được nới lỏng trong những tháng tới khi tình hình dịch bệnh có những chuyển biến tích cực.

Châu Á - Thái Bình Dương

Tại Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 7-5, tất cả các địa phương trên cả nước đều được đưa vào nhóm có nguy cơ thấp, song cơ quan y tế nước này cũng khẳng định, nguy cơ thấp không đồng nghĩa với không nguy cơ, do đó nước này vẫn phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trở lại. Tính đến hết ngày 6-5, Trung Quốc đã 4 ngày liên tiếp không ghi nhận thêm ca nhiễm mới Covid-19 trong nước mà chỉ có các ca bệnh nhập cảnh.

Ngày 7-5, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã công bố hướng dẫn kiểm dịch mới cho các trường học trước khi mở cửa trở lại theo lịch trình trong tháng 5 sau khi tham khảo ý kiến các cơ quan y tế. Những hướng dẫn này sẽ được tiến hành một tuần trước khi học sinh quay lại trường học tùy theo khối lớp, trong đó, học sinh và giáo viên được yêu cầu phải kiểm tra tình trạng sức khỏe hằng ngày và báo cáo với nhà trường; phải đeo khẩu trang mọi lúc trừ giờ ăn và mở cửa sổ khi sử dụng điều hòa.

Còn tại quốc gia láng giềng Nhật Bản, Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura cho biết, tình trạng khẩn cấp liên quan tới dịch Covid-19 có thể sớm được dỡ bỏ vào ngày 14-5 tới tại một số khu vực có số ca nhiễm mới giảm. Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã gia hạn tình trạng khẩn cấp toàn quốc tới ngày 31-5 để ứng phó với dịch Covid-19.

Reuters ngày 7-5 dẫn lời Thủ tướng Pakistan Imran Khan cho biết, các biện pháp phong tỏa tại nước này sẽ được dỡ bỏ vào ngày 9-5 tới dù trên thực tế, các ca nhiễm mới Covid-19 tại Pakistan vẫn có chiều hướng gia tăng trong những ngày qua. Theo nhà lãnh đạo này, quyết định được đưa ra sau khi xem xét tới việc người lao động nghèo không đủ khả năng để trang trải cuộc sống do ảnh hưởng từ các biện pháp phong tỏa phòng dịch.

Truyền thông Australia ngày 7-5 đưa tin, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã gửi thư cho tất cả các thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) để kêu gọi sự ủng hộ việc mở cuộc điều tra quốc tế độc lập để tìm hiểu về thời điểm, nguyên nhân gây ra dịch Covid-19, sự phát triển thành đại dịch, phản ứng của WHO và các quốc gia cũng như cách thức để tăng cường năng lực của cộng đồng quốc tế ứng phó với dịch bệnh.

Minh Hiếu