Đề thi tốt nghiệp THPT: Có tính phân hóa, tạo căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng
Tuyển sinh - Ngày đăng : 16:47, 08/05/2020
Tăng tính tự chủ
Về cơ bản, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay vẫn giữ ổn định, tạo sự yên tâm cho thí sinh. Ý kiến của nhiều cơ sở giáo dục bày tỏ sự đồng thuận với các nội dung của Quy chế, trong đó có việc giao cho các trường tự chủ trong việc lựa chọn phương thức tuyển sinh. Các trường có thể tuyển sinh bằng phương thức thi tuyển hoặc xét tuyển, hoặc có thể kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Các nhà trường cũng được tự chủ trong việc xác định, công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, trừ nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên. Nhiều cơ sở giáo dục cũng khẳng định sẽ giữ ổn định phương thức tuyển sinh đại học như năm 2019, dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2020 của thí sinh.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho rằng, Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng quy định rõ trách nhiệm của nhà trường, tạo căn cứ để triển khai và phù hợp với tình hình thực tế. 7 đơn vị thành viên của Đại học Thái Nguyên thống nhất sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh, tuy nhiên để bảo đảm chất lượng đầu vào, đề thi nên có tính phân hóa sâu hơn. Ví dụ trong phổ điểm từ 5,5 đến 6 điểm là đạt yêu cầu công nhận tốt nghiệp THPT; từ 6 đến 10 điểm thì câu hỏi trong đề thi cần có sự phân hóa, từ đó các trường có khung điểm rõ ràng để tuyển sinh.
Đồng tình với ý kiến này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân bày tỏ sự ủng hộ với phương án thi tốt nghiệp THPT nhằm tạo sự ổn định và giảm áp lực cho học sinh, đồng thời cũng cho biết nhà trường sẽ sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh.
Về kỳ thi tuyển sinh riêng của một số cơ sở giáo dục đại học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ lưu ý, tự chủ là nhiệm vụ, là cơ hội, nhưng khi đã tổ chức kỳ thi riêng, nhà trường phải bảo đảm các điều kiện theo quy định. Trong bối cảnh như hiện nay, phương án tuyển sinh đại học, cao đẳng cần giữ ổn định. Khối các cơ sở giáo dục đại học không chỉ nghĩ đến trách nhiệm chuyên môn, mà còn phải có trách nhiệm chính trị - xã hội, trách nhiệm với phụ huynh học sinh.
Giám sát chặt chẽ kỳ thi tốt nghiệp THPT
Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, học sinh và dư luận xã hội không nên quá lo lắng bởi các địa phương cũng có trách nhiệm tổ chức tốt kỳ thi. “Để kỳ thi bảo đảm nghiêm túc, thực chất, cần chú trọng khâu thanh tra, giám sát và chú trọng hậu kiểm. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, giám sát các khâu của kỳ thi”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh đề xuất.
Trở lại với phương án thi tốt nghiệp THPT đã công bố, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xin ý kiến các bộ, ngành và các đơn vị liên quan để đưa ra phương án thi phù hợp với lộ trình đổi mới và phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19. Thực tế cũng cho thấy, chất lượng điểm trong học bạ ở các trường và các vùng miền khác nhau nên cần có kỳ thi tốt nghiệp THPT để đánh giá chất lượng trên diện rộng sau 12 năm học của học sinh trên cả nước.
Trên cơ sở ý kiến đề xuất của các cơ sở giáo dục đại học, để kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra an toàn, thực chất, các trường đại học cần xắn tay vào cuộc. Các nhà trường có thể tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra và phối hợp với địa phương trong công tác tổ chức kỳ thi.
Để làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng yên tâm sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ có độ phân hóa. Đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố đã nhận được nhiều phản hồi tốt, Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe để hoàn thiện, xây dựng đề thi chính thức bảo đảm yêu cầu.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, để bảo đảm chất lượng đầu vào đại học, cao đẳng, ngay từ thời điểm này, ngoài việc giới thiệu thế mạnh, các nhà trường cần dự báo về nhu cầu việc làm của thị trường lao động và những yêu cầu cụ thể của từng ngành, nghề để định hướng cho thí sinh.