Rà soát nhóm lao động tự do để chi trả hỗ trợ: Để nguồn lực đến đúng người, đối tượng

Đời sống - Ngày đăng : 09:47, 08/05/2020

(HNMO) -  Kinh nghiệm trong quá trình chi trả kinh phí hỗ trợ đợt 1 từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng trên địa bàn Hà Nội cho thấy, việc xác định các nhóm đối tượng phải chính xác thì nguồn lực trợ giúp mới đến đúng người, đúng đối tượng. Do đó, việc rà soát các nhóm đối tượng dự kiến được thụ hưởng trong đợt 2, nhất là với nhóm lao động tự do, dù diễn ra chậm, nhưng chắc, còn hơn làm nhanh mà để xảy ra sai sót.

Rà soát lao động tự do tại phường Phú Lãm, quận Hà Đông.

Không rõ khái niệm lao động tự do

Theo phản ánh của các địa phương, quá trình chi trả kinh phí hỗ trợ đợt 1 từ gói an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với 3 nhóm đối tượng: Người có công; bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn Hà Nội diễn ra tương đối thuận lợi. Bởi các đối tượng này đã có tên trong danh sách thụ hưởng các chế độ ưu đãi, trợ cấp thường xuyên.

Tuy nhiên, danh sách các đối tượng thụ hưởng đợt 1 được thành phố Hà Nội xây dựng trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, nhằm cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 42/NQ-CP, nên khó tránh khỏi việc trùng lặp. Điều đó lý giải vì sao các địa phương vừa tiến hành sàng lọc danh sách, vừa thực hiện chi trả tiền hỗ trợ, qua đó phát hiện không ít trường hợp không đủ điều kiện thụ hưởng. Đơn cử, huyện Ba Vì phát hiện gần 2.600 trường hợp, huyện Chương Mỹ phát hiện hơn 2.000 trường hợp… bị trùng, vừa qua đời hoặc mới phát sinh.

Trong khi đó, việc rà soát các nhóm đối tượng dự kiến được hỗ trợ trong đợt 2 gồm: Lao động có giao kết hợp đồng nhưng bị chấm dứt hợp đồng; nhóm lao động có hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp; nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động (gọi chung là lao động tự do)… đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nên cần được tiến hành cẩn trọng.

Ông Đặng Quyết Thắng, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì phản ánh, theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, lao động tự do được hỗ trợ phải thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, làm công việc bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe môtô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe bị mất việc làm do tác động của dịch Covid-19. Điều kiện để hỗ trợ là họ phải cư trú hợp pháp tại địa phương; bị mất việc làm và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo trong khoảng thời gian từ ngày 1-4 đến ngày 30-6-2020.

Thế nhưng, ở nông thôn, đa số người dân vẫn có ruộng, nhưng công việc đồng áng chỉ do một lao động trong gia đình đảm nhận, số còn lại làm các nghề phi nông nghiệp có tên trong danh mục theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, hiện bị mất việc làm. Vậy, những đối tượng này có thuộc diện được hỗ trợ hay không thì các địa phương chưa nắm rõ.

Cũng liên quan đến nhóm lao động tự do, ông Nguyễn Đình Tiên, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Đống Đa phân tích: “Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg không quy định độ tuổi của người lao động, khiến chúng tôi băn khoăn không hiểu những người đã hết tuổi lao động, nhưng vẫn đi bán hàng rong, thu gom rác, phế liệu, bán vé số lưu động… thì họ có thuộc nhóm lao động tự do hay không. Tương tự, những người chưa đến tuổi lao động, nhưng đã đi làm, hiện nay bị mất việc, liệu có được hỗ trợ không?”.

Vướng mắc nữa là, có những người đăng ký hộ khẩu thường trú ở địa phương này, nhưng lại đi làm ở địa phương khác, nên các địa phương rất khó để nắm bắt được thu nhập, công việc của họ. Chưa hết, đối tượng lao động tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe cụ thể ra sao cũng không dễ xác định.

Người lao động bị mất việc làm mong muốn nhận được hỗ trợ càng sớm, càng tốt. Ảnh minh họa

Tiêu chí phải rõ ràng, hỗ trợ mới chính xác

Để nguồn kinh phí hỗ trợ sớm đến với người lao động gặp khó khăn, ông Nguyễn Ngọc Nam, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thường Tín đề nghị các cơ quan chức năng ban hành hướng dẫn chi tiết về đối tượng lao động tự do, làm căn cứ cho các địa phương thực hiện.

“Nếu thiếu tiêu chí rõ ràng để xác định thế nào là lao động tự do, đối tượng cụ thể nào thuộc diện được hỗ trợ, chính quyền cấp cơ sở sẽ không thể xác định được đối tượng cần trợ giúp. Trong khi chờ hướng dẫn, chúng tôi đã định hướng cho các địa phương tiến hành rà soát nhóm lao động tự do, nhưng do cách hiểu, cách làm khác nhau, nên kết quả không chính xác”, ông Nam cho hay.

Cũng do chưa có tiêu chí để xác định, nên ngoài 6 nhóm công việc được nêu tên tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, trong quá trình rà soát, huyện Mỹ Đức mở rộng nhóm lao động tự do đến 37 công việc khác. “Khoản 2, điều 7 của Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg cho phép UBND cấp tỉnh được quyết định các đối tượng được hỗ trợ khác. Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, chúng tôi mở rộng các đối tượng lao động tự do đề nghị hỗ trợ với mong muốn nguồn lực trợ giúp có thể đến với càng nhiều người cần giúp đỡ, càng tốt”, ông Trần Ngọc Nghìn, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mỹ Đức lý giải.

Còn bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông cho rằng, việc rà soát nhóm lao động tự do bị mất việc làm rất khó, nên quá trình thực hiện hỗ trợ có thể chậm, nhưng làm chắc, bảo đảm đúng người, đúng đối tượng, còn hơn làm nhanh mà để xảy ra sai sót.

Trước những kiến nghị nêu trên, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, Sở đang xây dựng dự thảo quyết định thực hiện đối với các đối tượng liên quan đến doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19, trong đó có nhóm lao động tự do để trình UBND thành phố xem xét, ban hành. Tuy nhiên, để có căn cứ triển khai thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác mong muốn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn chi tiết bằng văn bản với nhóm lao động tự do.

Hà Hiền