Truyền thông phải đi đầu, tạo cảm hứng, động lực để Việt Nam bước vào kỷ nguyên số
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 13:31, 18/12/2022
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương dự hội nghị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.
Doanh thu toàn ngành ước đạt trên 3,8 triệu tỷ đồng
Năm 2022, ngành Thông tin và Truyền thông đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Doanh thu toàn ngành ước đạt 3.893.595 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2021 và gấp 1,5 lần so với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 98.982 tỷ đồng, tăng 24,7%; tốc độ tăng năng suất lao động là 6,7%.
Ở lĩnh vực viễn thông, 99,73% thôn, bản trên toàn quốc đã được phủ sóng. Doanh thu dịch vụ đạt 138.000 tỷ đồng, tăng 1,6%; lợi nhuận sau thuế ước đạt 44.500 tỷ đồng, tăng 3,8%.
Với chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều nền tảng số, tập huấn về chuyển đổi số cho các bộ, ngành, địa phương, tổ công nghệ số cộng đồng; ngăn chặn, xử lý hàng nghìn trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật. Đóng góp của kinh tế số cho GDP ước đạt tỷ trọng khoảng 14,26%.
Doanh thu lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông ước đạt 148 tỷ USD, tăng 8,7%, đạt kế hoạch đề ra năm 2022; đóng góp vào GDP ước đạt 34,3 tỷ USD, tăng 8,7%.
Báo chí, truyền thông tiếp tục khẳng định vai trò phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan tỏa tích cực. Bộ Thông tin và Truyền thông quyết liệt xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí, "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2023 sẽ là năm về dữ liệu. Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu các bộ, ngành và địa phương; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số phát triển trên thị trường thế giới.
Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, lĩnh vực thông tin - truyền thông phải đi đầu, tạo cảm hứng, động lực để Việt Nam bước vào kỷ nguyên số. Thủ tướng nêu rõ, chuyển đổi số đang làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã nhấn mạnh coi chuyển đổi số là quá trình rút ngắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phải nhận thức tầm quan trọng của vấn đề này, kêu gọi chung tay phát triển chuyển đổi số lành mạnh, an toàn, bình đẳng, người dân được tiếp cận chuyển đổi số một cách thực sự. Mục tiêu cuối cùng là phục vụ nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các nhiệm vụ giải pháp mà Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra phải có hiệu quả, phải "kiểm đếm được, ra sản phẩm cụ thể". Thủ tướng đánh giá các nhiệm vụ đề ra của Bộ "đúng, trúng" nhưng mong Bộ thực hiện thật tốt và điều quan trọng là phản ứng chính sách kịp thời và hiệu quả. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là:
Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, trong đó có thể chế về công tác truyền thông, chuyển đổi số, liên quan vấn đề công nghệ, quản lý nhà nước, truyền thông và phát triển khoa học công nghệ; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Phấn đấu phủ sóng toàn diện, bao trùm đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để mọi người dân được hưởng thụ dịch vụ viễn thông, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lo việc này để "Điện đi đến đâu, viễn thông đi đến đó".
Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, coi đây là tài nguyên đặc biệt, cần phải lưu trữ, chia sẻ, khai thác, sử dụng một cách an toàn, hiệu quả, tạo nên các giá trị gia tăng, thông qua đó hỗ trợ chuyển đổi phương thức quản trị quốc gia, tôn trọng quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Thủ tướng hoan nghênh Bộ Thông tin và Truyền thông xác định năm 2023 là Năm dữ liệu quốc gia, và yêu cầu phối hợp với các bộ, ngành hoàn thành dữ liệu đất đai, dữ liệu về nhà ở, từ đó giảm thời gian thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp với tinh thần "đúng, đủ, sạch, sống".
Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt trọng tâm phát triển hạ tầng số năm 2023 và thương mại hóa dịch vụ 5G, tạo ra những thay đổi về kết nối, để hạ tầng thông tin liên lạc trở thành hạ tầng quan trọng của nền kinh tế; phát triển bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia, của nền kinh tế số.
Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung thúc đẩy kinh tế số; tăng cường các biện pháp bảo vệ người dân, bảo đảm an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng; nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức, phổ cập kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân, thúc đẩy người dân sử dụng các nền tảng số Việt Nam.
Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới, bảo đảm thượng tôn pháp luật của Việt Nam. Về lâu dài cần phát triển ngành công nghiệp sản xuất chip.
Ngăn chặn kịp thời, hiệu quả thông tin xấu, độc, sai sự thật, phản bác quan điểm sai trái trên mạng xã hội; xây dựng cơ chế, chế tài xử lý các thông tin xấu, độc, chống phá Đảng, Nhà nước, lợi dụng mạng xã hội để trục lợi, lừa đảo, đe dọa an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, với sự nỗ lực của toàn ngành Thông tin và Truyền thông, kết quả năm 2023 sẽ tốt hơn năm 2022, được người dân đánh giá, ghi nhận.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao Bằng khen tặng 2 doanh nghiệp đạt trên 1 tỷ USD kinh doanh từ thị trường nước ngoài là Tập đoàn FPT và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel).