Tạo sức bật cho kinh tế nông thôn
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:55, 08/05/2020
- Ông có thể cho biết, việc triển khai Chương trình OCOP của Hà Nội thời gian qua đã đạt được những kết quả như thế nào?
- Đến hết năm 2019, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 301 sản phẩm OCOP (dẫn đầu cả nước) thuộc các nhóm ngành thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm, nội thất, trang trí, của 75 chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Kết quả phân hạng, Hà Nội có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 207 sản phẩm 4 sao; 88 sản phẩm 3 sao. Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ cấp huyện đến thành phố đã được thực hiện khách quan, minh bạch, công khai bảo đảm đúng chu trình OCOP theo hướng dẫn của Trung ương.
- Sau khi được chứng nhận, sản phẩm OCOP đã nâng chất lượng, giá trị trên thị trường ra sao, thưa ông?
- Trước khi tham gia Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm nông sản, làng nghề của Hà Nội có chất lượng tốt nhưng hồ sơ chứng minh chưa đầy đủ, như: Thiếu kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch bảo vệ môi trường, chứng minh nguồn gốc xuất xứ, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất; nhãn hiệu, bao bì sản phẩm còn đơn giản... Do đó, chưa hấp dẫn được người tiêu dùng.
Khi tham gia Chương trình OCOP, các chủ thể đã được thành phố tư vấn hỗ trợ “chuẩn hóa” sản phẩm về hình thức và chất lượng, hồ sơ chứng minh sản phẩm… Sản phẩm sau khi được công nhận còn được thành phố hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác để người tiêu dùng dễ nhận diện; được tạo điều kiện tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài thành phố để bán và trưng bày giới thiệu.
- Để có được kết quả trên là sự nỗ lực rất lớn từ các cấp chính quyền đến chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
- Có thể khẳng định, Chương trình OCOP của Hà Nội được thực hiện một cách khoa học, bài bản với sự chỉ đạo quyết liệt từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã; sự vào cuộc hiệu quả của các chủ thể; sự tích cực của các đơn vị tư vấn.
Hà Nội đã mở hàng chục lớp tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về Chương trình OCOP; phối hợp với các báo, đài tuyên truyền sâu rộng về chương trình. Công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP cũng được Hà Nội quan tâm, chú trọng. Năm 2019, nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã tổ chức khu trưng bày sản phẩm OCOP Hà Nội được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao. Hà Nội cũng tổ chức 4 hội thảo kết nối tiêu thụ đặc sản vùng miền và các sản phẩm OCOP trong và ngoài thành phố...
Các đơn vị tư vấn cũng đã tích cực hướng dẫn các chủ thể thực hiện chu trình OCOP bao gồm khảo sát, đánh giá, tư vấn, hỗ trợ nâng cấp chất lượng, hoàn thiện sản phẩm... Đồng thời, xây dựng phần mềm chấm điểm sản phẩm OCOP, tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng khi đánh giá, phân hạng sản phẩm... Riêng với các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, sau khi được tư vấn, hướng dẫn về chu trình OCOP đã tập trung hoàn thiện, nâng cấp chất lượng, hồ sơ minh chứng sản phẩm... để đăng ký sản phẩm dự thi đánh giá, phân hạng OCOP.
- Theo kế hoạch năm 2020, Hà Nội sẽ phấn đấu để có 1.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng. Đây là mục tiêu rất lớn, Hà Nội sẽ làm gì để hoàn thành kế hoạch đề ra?
- Trước mắt, chúng tôi sẽ khảo sát các chủ thể có sản phẩm thuộc 6 nhóm sản phẩm OCOP theo quy định để phân nhóm, phân hạng, từ đó có chính sách hỗ trợ để các sản phẩm đủ tiêu chí tham gia dự thi Chương trình OCOP năm 2020 và các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, nâng cao vai trò của chính quyền cơ sở nhằm lựa chọn ra các sản phẩm có lợi thế của địa phương mình để tham gia dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Ngoài ra, sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn, tạo điều kiện để các chủ thể tham dự các sự kiện xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ. Với những sản phẩm OCOP có tiềm năng xuất khẩu, Hà Nội sẽ tư vấn, hỗ trợ các chủ thể được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 5 sao. Đây là cơ sở để khẳng định vị thế thương hiệu sản phẩm OCOP của Hà Nội đối với người tiêu dùng...
Hà Nội cũng sẽ nâng cấp phần mềm hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm sản của thành phố, trang điện tử (http://nongthonmoihanoi.gov.vn) phục vụ công tác quản lý nhà nước và kết nối cung cầu các sản phẩm OCOP Hà Nội; xây dựng phần mềm quản lý, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đồng bộ từ thành phố đến quận, huyện, thị xã.
Về lâu dài, Hà Nội sẽ xây dựng một số điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn; xây dựng mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP...
- Hiện, có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn thành phố muốn được tham gia Chương trình OCOP. Vậy, họ cần phải làm gì, thưa ông?
- Các chủ thể muốn tham gia vào Chương trình OCOP có thể liên hệ với UBND các xã, phường, thị trấn để gửi về phòng kinh tế các quận, huyện, thị xã tổng hợp và hoàn thiện quy trình dự thi sản phẩm cấp huyện. Khi đó, họ sẽ được dự lớp tập huấn, hướng dẫn chu trình thực hiện OCOP; được tư vấn, hỗ trợ, nâng cấp chất lượng, hoàn thiện các hồ sơ minh chứng sản phẩm..., qua đó có sản phẩm dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp.
- Trân trọng cảm ơn ông!