Gỡ khó cho việc xây trường

Giáo dục - Ngày đăng : 07:39, 09/05/2020

(HNM) - Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2010/BXD, số tầng lớn nhất cho phép đối với công trình nhà học của nhà trẻ, mẫu giáo là 3 tầng; trường phổ thông và nội trú là 4 tầng.

Quy định là cần thiết nhằm bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với từng loại hình, quy mô công trình. Song trên thực tế, đối với Hà Nội, đặc biệt là tại 4 quận nội đô Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, do hạn chế về quỹ đất, số lượng học sinh đông, dẫn đến việc lâu nay nhiều ngôi trường chưa bảo đảm về cơ sở vật chất cho công tác dạy và học.

Tại quận Ba Đình, Chủ tịch UBND quận Tạ Nam Chiến cho biết, do hạn hẹp về quỹ đất, mật độ dân cư cao nên thời gian qua quận gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư cơ sở vật chất nhằm xây dựng trường đạt Chuẩn quốc gia. Do đó, quận đã đề xuất các cơ quan chức năng cho phép nâng chiều cao xây dựng một số trường học cụ thể. Trong đó, giải pháp của quận đưa ra là điều chỉnh diện tích dành cho ban hiệu bộ, giáo viên lên tầng cao, phòng học dưới thấp, nhằm bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy và công năng sử dụng.

Mặc dù, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2010/BXD có quy định, trong một số trường hợp riêng biệt, Bộ Xây dựng cho phép giảm bớt một số yêu cầu của quy chuẩn đối với công trình cụ thể, nhưng theo ông Tạ Nam Chiến, quy trình thủ tục xin phép nâng tầng của một dự án trường học là khá phức tạp. Do đó, địa phương rất mong Bộ Xây dựng sớm điều chỉnh Quy chuẩn, nhằm tháo gỡ vướng mắc kể trên.

Về vấn đề này, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng cho biết, đã có văn bản đề xuất nâng tầng trường học cao hơn quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2010/BXD đối với các địa phương thiếu quỹ đất để gỡ khó cho việc xây dựng trường học đạt Chuẩn quốc gia. Trong bối cảnh diện tích đất bình quân/1 học sinh ở khu vực nội đô Hà Nội thấp hơn so với quy định chung, việc cho phép nâng tầng các trường học - với điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy là giải pháp phù hợp với thực tế.

Phong Châu