Chỗ dựa tinh thần cho cộng đồng
Giải trí - Ngày đăng : 07:09, 09/05/2020
Cây cọ cũng là vũ khí
Kiến trúc sư Trần Thị Thanh Thủy, Trưởng nhóm Ký họa đô thị Hà Nội vừa hồ hởi khoe trên trang Facebook cá nhân kết quả bán tranh từ chương trình đấu giá tranh “Chung tay #QUYETCHIENNCOVI”. Đây là những bức tranh được các thành viên của nhóm thử thách nhau cùng sáng tác trong đợt thực hiện cách ly xã hội đầu tiên.
Những tác phẩm ra đời đã ngay lập tức nhận được sự yêu thích và cổ vũ nhiệt tình từ cư dân mạng bởi nó giống như những trang nhật ký sinh động ghi lại những ngày tháng có tính lịch sử khi người dân Hà Nội nói riêng và người dân cả nước nói chung đồng lòng ở nhà để chống sự lây lan của dịch Covid-19.
Tổng cộng 11 bức tranh đã được bán với số tiền hơn 35 triệu đồng, toàn bộ số tiền này sẽ được dùng để giúp đỡ các nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh tại Hà Nội, nơi dịch bệnh có diễn biến phức tạp nhất, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và cũng là địa bàn hoạt động chính của nhóm Ký họa đô thị Hà Nội. Đây tuy không phải là số tiền lớn nhưng nó cho thấy mỗi họa sĩ, kể cả những người không chuyên cũng có thể là một chiến sĩ, chiến đấu bằng ngòi bút và sức sáng tạo của mình.
Khi mọi hoạt động chậm lại, mọi người hạn chế ra đường, người họa sĩ với giá vẽ trở thành “bộ đôi sáng tạo hoàn hảo”, thậm chí có thể chạm tới những kỷ lục ít ai ngờ tới. Chẳng hạn như cuộc vận động sáng tác “Tranh cổ động phòng chống dịch bệnh Covid-19” do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức là một trong những cuộc vận động sáng tác “cấp tốc” hiếm thấy trong lịch sử mỹ thuật nước nhà - chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vòng 5 ngày kể từ lúc phát động đến khi gặt hái kết quả.
Từ kết quả của cuộc vận động này, 700.000 bản in của 14 bức tranh cổ động xuất sắc nhất đã được gửi đến từng thôn, xã, đến cả những vùng sâu, vùng xa để cổ vũ nhân dân, hướng dẫn mọi người cách phòng dịch đúng cách.
Rồi hoạt động “Thách thức 7 ngày nghệ thuật” cũng trở thành một phong trào mạnh mẽ trong cộng đồng họa sĩ cả trong và ngoài nước. Bằng cách đăng tải trên trang Facebook cá nhân một số tác phẩm hội họa, không cần giải thích, không đánh giá tranh và đính kèm (tag) tên của những họa sĩ khác để cùng thực hiện, phong trào này đã mang đến cho công chúng những tác phẩm rực rỡ sắc màu.
“Thử thách đại diện cho một tinh thần tích cực từ cộng đồng họa sĩ ra khắp thế giới, tạo nên nguồn năng lượng đẩy lùi những khó khăn trong mùa dịch” - họa sĩ Ngô Thanh Hải, một người tham gia thử thách nhìn nhận.
Gửi đi những thông điệp tích cực
Có lẽ không cần nhắc thì ai trong chúng ta cũng cảm nhận được sức mạnh của âm nhạc trong những ngày căng thẳng vừa qua. Và, có lẽ lịch sử âm nhạc Việt Nam sẽ dành những dòng đặc biệt để ghi lại giai đoạn này, khi đề tài phòng, chống dịch Covid-19 nhanh chóng chiếm lĩnh nhiều thể loại âm nhạc, mang đến hiệu quả tuyên truyền gây bất ngờ.
Sau thành công ban đầu của những ca khúc có tính “hiện tượng toàn cầu” như Ghen Co Vy của Khắc Hưng là hàng loạt ca khúc như: Chung tay phòng chống Corona (nhạc sĩ Lê Hồng Phúc), Ngủ một chút đi anh (Tô Văn), Đánh giặc Corona (Lê Thống Nhất), Chẳng thể cách ly (Hằng Kani)... được mọi người lan truyền, yêu thích. Thậm chí, các nghệ sĩ ở dòng nhạc truyền thống cũng “xông pha” vào mảng đề tài này với nhiều sáng tác thú vị, chẳng hạn như bài xẩm Tiễu trừ Corona của nhóm xẩm Hà Thành...
Điều đáng ngạc nhiên là không chỉ những tác phẩm đơn lẻ mà thời điểm này còn xuất hiện cả những sản phẩm âm nhạc có quy mô hoành tráng được thực hiện bằng sự kết nối công nghệ. Có thể kể tới MV Thank you - Những chiến binh thầm lặng với sự tham gia của 6 giọng ca được nhiều người biết tiếng, gồm Hồ Ngọc Hà, Noo Phước Thịnh, Đông Nhi, Ngô Kiến Huy, Bảo Anh, Bùi Anh Tuấn và hơn 70 diễn viên, hoa hậu, người mẫu... MV Tự hào Việt Nam khiến công chúng chú ý và thích thú bởi đây là MV cổ động phòng, chống dịch với sự đồng lòng tham gia của hơn 200 ca sĩ, diễn viên, MC, y, bác sĩ, chiến sĩ. Hay MV Thank for all vừa ra mắt với sự tham gia của dàn diễn viên nổi tiếng của Nhà hát Kịch Hà Nội cũng khiến công chúng vô cùng xúc động...
Là ca khúc quen thuộc nhưng MV Hòa nhịp con tim phiên bản năm 2020 của nhạc sĩ Huy Tuấn vẫn gây được sự chú ý bởi sự tham gia của 24 ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên nổi tiếng. Nhạc sĩ Huy Tuấn chia sẻ: “Chúng tôi muốn gửi đi một thông điệp tích cực vào thời điểm này, khi dịch Covid-19 sẽ dần qua đi, chúng ta cũng phải ổn định cuộc sống. Hãy cùng chúng tôi hành động và hướng tới những ngày tươi sáng hơn!”.
Ấp ủ cho tương lai gần
Rất nhiều nghệ sĩ tận dụng quãng thời gian này để chuẩn bị cho những tác phẩm trong tương lai. Có người nói, dịch Covid-19 đã kéo ngôi sao đến gần hơn với công chúng. Quả thật, khi sân khấu đóng cửa, nghệ sĩ và khán giả tìm đến nhau theo một cách khác, ấm áp, chân tình và đầy sự động viên.
Video clip ghi lại hoạt động tập luyện thường ngày của các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam được lan tỏa trên mạng khiến nhiều người thích thú, bởi đó như lát cắt nhẹ nhàng, vui vẻ về hoạt động tại nhà của các nghệ sĩ khi thực hiện giãn cách xã hội.
Trước đó, nhiều nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã cho ra mắt những sản phẩm nghệ thuật nhằm cổ vũ lực lượng tuyến đầu và cộng đồng chống dịch, như tác phẩm Ước nguyện của nhạc sĩ Đỗ Phương, Thế giới cùng chống đại dịch vi rút corona, Mẹ ơi con sẽ về của ca sĩ Bùi Trang, Vượt qua cái chết của ca sĩ Tố Loan...
“Lướt” Facebook, khán giả dường như được truyền thêm năng lượng khi chứng kiến cường độ luyện tập đáng nể của nghệ sĩ ballet nổi tiếng Lê Ngọc Văn, những phút giây vừa bồng con vừa múa của nghệ sĩ múa đương đại Vũ Ngọc Khải... Với các nghệ sĩ, dù không đến nhà hát, sàn tập, họ vẫn tìm mọi cách để không lãng phí thời gian, hăng say tập luyện, chờ ngày được quay trở lại “bùng nổ” trên sân khấu.
“Cái khó ló cái khôn”, “ngồi yên chứ không ngồi im”, ngay cả với những công việc bình thường cần phải tập trung đông người, các nghệ sĩ cũng có cách để hóa giải nhờ công nghệ. Đạo diễn trẻ Luk Vân hoàn thành việc chọn diễn viên cho phim mới ngay trong những ngày thực hiện cách ly xã hội bằng hình thức casting online. Cô chia sẻ: “Mùa dịch này ai cũng gặp khó khăn, nhất là những người làm ngành giải trí, làm phim luôn phải tiếp xúc với rất nhiều người. Casting online trong mùa dịch là một phương án hết sức hợp lý”. Số lượng gần 100 video casting của 100 bạn lọt vào vòng 2 với Luk Vân là một kết quả vô cùng đáng mừng, nó cho thấy hiệu quả công việc vẫn cao nếu biết áp dụng công nghệ đúng cách...
Không thể kể hết điều mà các nghệ sĩ đã và đang trải qua trong giai đoạn làm nghề đặc biệt này. Và như đạo diễn, NSND Tuấn Hải đã chia sẻ với Hànộimới Cuối tuần: “Khó khăn chắc chắn là có, nhưng chúng ta chỉ thấy ở các nghệ sĩ một tinh thần lạc quan, một tình yêu bền bỉ với nghệ thuật và trách nhiệm sẻ chia với cộng đồng”. Ở khía cạnh đó, họ chính là những người nghệ sĩ - chiến sĩ đồng lòng cùng cả hệ thống chính trị và cộng đồng chiến đấu chống kẻ thù vô hình Covid-19.
Rapper Hằng Kani:
“Thiếu vắng em, con bé nhà mình vẫn ngoan hay đang thế nào?/ Bố nhắn con, mẹ ở đây, không bỏ lại phía sau những đồng bào...”. Đó là hai dòng rap được trích trong sáng tác đánh dấu sự trở lại của tôi trong năm 2020. Đại dịch Covid-19 gắn kết các gia đình trên thế giới cùng ở nhà, nhưng vẫn còn đó rất nhiều cặp vợ chồng chấp nhận ly tán vì nhiệm vụ cao cả. Tôi, một công dân may mắn được ngồi ăn cơm cùng người thân yêu vào những ngày này, lập tức muốn viết nhạc khi cả nhà cùng xem một phóng sự ngắn trên VTV. Tôi không kịp nhớ tên hay địa chỉ công tác của nhân vật bác sĩ được phỏng vấn, chỉ nhớ chị đã kể một câu chuyện lay động... Tôi đặt tên cho ca khúc là Chẳng thể cách ly, như một cách gợi nhớ đến chị.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh:
May mắn không phải trì hoãn dự án do đã thực hiện xong phần ghi hình, hằng ngày tôi vẫn lên phòng dựng để hoàn thành Bằng chứng vô hình, bộ phim dài thứ hai của mình. Người làm phim phải nghĩ mình cần làm gì để tác phẩm dễ tiếp cận với công chúng. May mắn là Thưa mẹ con đi, bộ phim dài đầu tiên của tôi đã quay trở lại sau rất nhiều trông mong của khán giả trên các kênh VOD. Bộ phim như có một đời sống mới, mà người làm phim như tôi không gì cảm thấy xúc động hơn. Tôi cho đó là cách mình thể hiện sự hy vọng, sự tiếp tục, sự kiên cường của bản thân trước những diễn biến không thuận lợi cho sáng tạo nghệ thuật...
(Trích chia sẻ của nghệ sĩ trong dự án Nghệ thuật kiên cường do UNESCO khởi xướng).