Doanh nghiệp kiến nghị - Lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương cam kết tháo gỡ

Kinh tế - Ngày đăng : 14:16, 09/05/2020

(HNMO) - Đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến "Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế" diễn ra sáng 9-5, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã nêu ra nhiều giải pháp, cam kết nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Hội nghị được truyền hình trực tiếp, khoảng 800.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh có thể theo dõi.

Nêu trở ngại để cùng tháo gỡ

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ thời gian qua.

Ông Thân đồng thời nêu một số kiến nghị cụ thể như cân nhắc giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm thuế môn bài cho các hộ kinh doanh đến hết năm 2020; tăng nguồn lực tài chính cho các quỹ bảo lãnh tín dụng; giảm thủ tục, điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh cũng đề xuất, các giải pháp hỗ trợ nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất cần phải được thực hiện khẩn cấp và ngay lập tức, như miễn, giảm và giãn nợ thuế đến cuối năm 2020, giảm lãi vay đến 5%, thậm chí bằng 0%, giãn nợ vay ngân hàng...

Trong lĩnh vực thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đề xuất trong ngắn hạn đẩy mạnh các hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như hậu dịch Covid-19; ban hành và thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp thu hút được nguồn lao động (hỗ trợ an sinh cho người lao động qua các gói chính sách đã có của Chính phủ; các gói cho doanh nghiệp vay để trả lương cho người lao động...). 

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) Lê Duy Hiệp nêu kiến nghị đẩy nhanh giải ngân các gói tín dụng, gói cứu trợ, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bảo đảm an sinh xã hội một cách thuận lợi; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, qua đó góp phần giảm chi phí logistics của sản xuất, xuất khẩu và xã hội nói chung; ưu đãi vốn vay ngân hàng và đơn giản hóa thủ tục vay…

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nêu kiến nghị được miễn bảo hiểm xã hội, công đoàn phí từ tháng 5 đến hết tháng 12-2020, bởi đây là chi phí rất lớn của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Giảm mạnh hàng loạt thuế, phí

Trên tinh thần lắng nghe, chia sẻ, trưởng các bộ, ngành: Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ... cùng lãnh đạo một số thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, đã đưa ra các cam kết, chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó sau dịch Covid-19, phục hồi sức phát triển của nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Để thực hiện "mục tiêu kép" mà Chính phủ đã đề ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục bám sát các nội dung về thuế đã báo cáo với Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để các chính sách này sớm được ban hành và thực hiện tốt như: miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc; tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025…

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành hai nghị định mà Bộ đã trình về biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi, trong đó đề xuất giảm thuế 24 nhóm mặt hàng, miễn thuế toàn bộ nguyên liệu, linh kiện vật tư sản xuất cho các ngành: Công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô để gia công sản xuất sản phẩm xuất khẩu; sớm trình Chính phủ văn bản giảm tiền thuê đất cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh bị ngừng hoạt động do dịch Covid-19.

Ngành Tài chính cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát, cắt giảm các loại phí, lệ phí, giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đã ban hành để doanh nghiệp, người dân nhanh chóng hưởng hỗ trợ theo hướng có lợi nhất.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, ngành ngân hàng đã chủ động xây dựng chương trình, kịch bản hành động nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; tạo khuôn khổ pháp lý để các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng công khai, minh bạch các thủ tục, điều kiện đối với khách hàng; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, chậm trễ trong hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin, Văn phòng Chính phủ đang phối hợp với nhiều bộ, ngành, đơn vị xây dựng phương án kỹ thuật cung cấp 6 dịch vụ công hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid 19 trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

“Các dịch vụ công này trên Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ hỗ trợ cho 4 triệu người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, rút ngắn thời gian thực hiện từ 6 đến 10 ngày làm việc với từng đối tượng so với cách triển khai trực tiếp”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định.

Là người đứng đầu ngành Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối; rà soát, tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến; nâng cao các biện pháp bảo vệ thị trường trong nước bằng các biện pháp kỹ thuật phù hợp thông lệ quốc tế... 

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, 63 tỉnh, thành phố đã hỗ trợ được trên 20.000 tỷ đồng trong gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng. Từ ngày 9-5, sẽ tập trung hỗ trợ nhóm lao động tự do, lao động bị dừng hợp đồng, theo dự kiến là khoảng 7.630 tỷ đồng.

Bộ cũng sẽ đề xuất và tham mưu Chính phủ dành khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng từ kết dư bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động. Dự kiến, khoảng 1 triệu lao động được đào tạo lại và cấp chứng chỉ, đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp gắn với trường nghề.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại điểm cầu thành phố.

Đại diện cho lãnh đạo các địa phương phát biểu đầu tiên tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu ra nhiều cam kết như giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và trước mắt sẽ có nhiều hoạt động kích thích tiêu dùng, kích cầu du lịch nội địa.

Vào cuối tháng 6-2020, Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển, dự kiến trao chủ trương đầu tư cho gần 100 dự án. Riêng các dự án đầu tư trong nước đạt 330.000 tỷ đồng, có 26 dự án nhà ở xã hội với số vốn là 72.000 tỷ đồng, hình thành hơn 3 triệu mét vuông nhà ở xã hội để cung cấp ra thị trường cho các đối tượng thu nhập thấp trong những năm tới. Đối với các dự án của doanh nghiệp FDI, thành phố Hà Nội dự kiến trao chủ trương đầu tư trong dịp này là khoảng 3,5 tỷ USD.

Đại diện những thành phố lớn khác như thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng cũng đều khẳng định sẽ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, nắm bắt cơ hội để phục hồi phát triển sản xuất.

Hoa Hà Hiền