Cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực vượt khó
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 10:05, 09/05/2020
Không nằm ngoài vùng xoáy đại dịch
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến "Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế", diễn ra sáng 9-5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, GDP năm 2020 của một số nền kinh tế lớn trên thế giới được dự báo sụt giảm mạnh, như Mỹ âm 5,9%, Anh âm 6,5% và khu vực đồng tiền chung châu Âu âm 7,5%. Trong khi đó, Việt Nam đã nỗ lực đạt được “trạng thái tích cực”: Tăng trưởng GDP quý I-2020 đạt 3,82%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt gần 83 tỷ đô la Mỹ, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu 3 tỷ đô la Mỹ.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài vùng xoáy ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. Lực lượng doanh nghiệp là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, hiện đang bị tổn thương nặng nề. Các doanh nghiệp phải đối mặt với “khó khăn kép”: Vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hoá và xuất khẩu, nhất là các ngành hàng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ, doanh thu bị sụt giảm, dẫn đến tình trạng thua lỗ; nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, nhất là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.
Cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành khảo sát nhanh gần 130.000 doanh nghiệp. Theo đó, khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19; doanh thu dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh xuống còn khoảng 70% so cùng kỳ năm 2019.
Một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Có trên 45% số doanh nghiệp đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh. Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải sử dụng các biện pháp cắt giảm tiền lương và lao động.
Các số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2020 cho thấy, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, thể hiện ở việc giảm mạnh về số doanh nghiệp thành lập mới, quy mô doanh nghiệp bị thu hẹp; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh (tăng 33,6% so với cùng kỳ 2019).
Nhiều chính sách hỗ trợ quan trọng
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nhiều chính sách quan trọng đã được các bộ, ngành nghiên cứu ban hành kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, các giải pháp "không điều chỉnh tăng giá trong quý I, quý II-2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất do nhà nước kiểm soát giá", "miễn, giãn, giảm lãi suất vay, phí ngân hàng", "gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất" được các doanh nghiệp ủng hộ, đánh giá cao.
Mặc dù các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ ban hành vừa qua được đánh giá là rất phù hợp với kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, nhưng theo phản ánh của doanh nghiệp, quá trình thực thi các giải pháp hỗ trợ còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn rất hạn chế do thủ tục hành chính rườm rà, quy trình phức tạp, tiến độ thực hiện chậm, thái độ và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ thực thi chính sách chưa thực sự mang tính hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Nền kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới hầu hết các ngành, các nhóm doanh nghiệp, tuy nhiên, phạm vi áp dụng của các giải pháp chỉ tập trung vào một số ngành trọng điểm. Nhiều doanh nghiệp thực tế bị ảnh hưởng lớn bởi tác động của dịch Covid-19 nhưng không được nhận hỗ trợ do không thuộc những nhóm ngành được hỗ trợ.
Đáng lưu ý nhất, trong quá trình trao đổi và tiếp nhận các ý kiến của doanh nghiệp, có nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị, Chính phủ thực hiện triệt để việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bảo đảm việc hiểu và thực hiện đúng các quy định, chính sách của đội ngũ cán bộ thực thi chính sách, không gây khó khăn, sách nhiễu cho doanh nghiệp.
"Đây chính là việc mà doanh nghiệp mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền hơn là các hỗ trợ bằng tiền từ phía Nhà nước", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như vậy nhưng ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam đã được phát huy hơn bao giờ hết. Cộng đồng doanh nghiệp đã và đang nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.
Kết quả một số cuộc khảo sát gần đây cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã rất chủ động có giải pháp tự cứu mình. Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh, ví dụ như áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên, vật liệu thay thế; thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là tập trung khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh…
"Điều đáng mừng là trong giai đoạn rất khó khăn vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp khác cùng nhau ứng phó, vượt qua thách thức; nhiều doanh nghiệp đã chung vai chia sẻ với Chính phủ trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.
Với tinh thần luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, thời gian qua, người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã thường xuyên gặp gỡ, trao đổi nắm bắt kịp thời tình hình khó khăn của doanh nghiệp, chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, điển hình như Chỉ thị số 11, đây là nền tảng định hướng cho các chính sách cụ thể như Nghị quyết số 42, Nghị định số 41 của Chính phủ" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Bên cạnh đó, tác động từ dịch Covid-19 đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng tiêu dùng mới; xuất hiện các mô hình kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới và phát triển bứt phá. Đây thực sự là cơ hội giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước biến cố thị trường, tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi chiến lược.
Hơn nữa, các hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA… chính thức có hiệu lực sẽ tạo lợi thế lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí hiệu quả hơn nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín trong và ngoài nước đã nhận định, đây là thời cơ quý báu, không dễ gì có được khi Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố và điều kiện để tạo nên cú hích lớn cho sự phát triển thần kỳ.
Chính vì vậy, ngay lúc này, chúng ta cần có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ “vàng”, nhằm phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng.