Đồng bộ giải pháp để tái đàn chăn nuôi hiệu quả
Xã hội - Ngày đăng : 07:14, 10/05/2020
Nhiệm vụ cấp thiết
- Hà Nội đặt ra mục tiêu tăng đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt đẩy mạnh tái đàn lợn, đưa tổng đàn lên mức 1,8 triệu con vào cuối năm 2020. Mục tiêu này có ý nghĩa như thế nào với ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp Thủ đô nói chung, thưa ông?
- Trước hết có thể nói, chăn nuôi lợn có vai trò, vị trí quan trọng trong ngành chăn nuôi nước ta, do tập quán, thói quen của người dân Việt Nam nên việc tiêu thụ thịt lợn trong các bữa ăn hằng ngày rất phổ biến (chiếm 50-60% sản phẩm động vật sử dụng hằng ngày).
Mặt khác, ở thời điểm hiện tại, đã có rất nhiều địa phương khống chế thành công bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Và, đây cũng là lúc để các địa phương tăng cường tái đàn lợn, tăng thêm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cũng phải nói thêm, từ những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, có thể thấy, việc bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân Hà Nội trong mọi tình huống là hết sức cần thiết.
Do vậy, việc đẩy mạnh tái đàn lợn không chỉ nhằm cung cấp nguồn cung thịt lợn, sớm giảm giá thịt xuống mức hợp lý, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và chỉ số giá tiêu dùng CPI. Đồng thời còn tạo nền tảng phát triển cho hàng nghìn trang trại chăn nuôi lợn, tạo sinh kế cho 33 nghìn hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn thành phố.
- Như ông đã nói, việc tái đàn, tăng đàn lợn là đòi hỏi từ thực tế nhằm hiện thực hóa nhiều mục tiêu. Vậy, ông có thể cho biết rõ hơn về việc tái đàn lợn của người dân, doanh nghiệp hiện nay?
- Ngay trong thời gian đang xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tham mưu để thành phố chỉ đạo việc tái đàn theo hướng: Chỉ thực hiện khi có các điều kiện về bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày không phát sinh; bảo đảm điều kiện về chuồng trại (đã được khử trùng môi trường); nguồn gốc con giống rõ ràng; người dân phải thực hiện nghiêm việc khai báo với chính quyền địa phương. Đồng thời hướng dẫn các hộ tái đàn theo hướng an toàn sinh học...
Hiện số lượng lợn được tái đàn, tăng đàn trên địa bàn thành phố đã đạt 1,2 triệu con (trong đó có gần 130 nghìn con lợn nái). Tuy nhiên, việc tái đàn mới tập trung chủ yếu ở các trại của công ty, xí nghiệp, trung tâm, hợp tác xã, bảo đảm về chăn nuôi an toàn sinh học, dịch bệnh, chủ động về nguồn con giống, thức ăn…
- Vậy theo ông, Hà Nội có thể đạt được mục tiêu đã đề ra không? Năng lực của ngành chăn nuôi Hà Nội hiện nay đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nguồn cung cho người tiêu dùng?
- Hiện nay, với tổng đàn 1,2 triệu con lợn, để thực hiện mục tiêu tăng đàn lợn lên 1,8 triệu con là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng hoàn toàn có thể làm được vì Hà Nội đang tập trung mọi giải pháp để đến cuối năm 2020 đạt được mục tiêu này.
Với năng lực và tổng đàn lợn hiện có, Hà Nội đã và đang đáp ứng được khoảng hơn 60% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Số còn lại Hà Nội sẽ phối hợp với 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối cung cấp chuỗi rau, thịt an toàn cho thành phố để cung cấp đủ nhu cầu khoảng gần 18.600 tấn thịt lợn/tháng cho người tiêu dùng Thủ đô.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
- Đến thời điểm này, dù bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế nhưng các hộ chăn nuôi vẫn chưa thể tái đàn mạnh mẽ, ông có thể cho biết lý do?
- Trước hết, quy mô chăn nuôi lợn của Hà Nội còn nhỏ lẻ, nên khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh. Hơn nữa, Luật Chăn nuôi đã được ban hành nhưng mới có hiệu lực nên việc kiểm soát hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bước đầu gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, do bệnh Dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin, không có thuốc đặc trị dẫn tới khó kiểm soát, nguy cơ tái phát dịch bệnh trở lại rất cao.
Bên cạnh đó, người dân và các chủ trang trại còn thiếu vốn để đầu tư sản xuất. Mặt khác, không chỉ thiếu con giống dẫn tới giá cao (2,8-3 triệu đồng/con) mà còn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc sản xuất, nhập nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi không thuận lợi dẫn tới giá thức ăn chăn nuôi tăng cao... Do vậy, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa đủ tiềm lực về nguồn vốn cũng như các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học để đẩy mạnh tái đàn.
- Vậy, Hà Nội sẽ làm gì để đạt mục tiêu cuối năm 2020, đáp ứng đủ nguồn cung thịt lợn cho người tiêu dùng Thủ đô, thưa ông?
- Để tái đàn, tăng đàn, trước hết phải bảo đảm được an toàn dịch bệnh. Do vậy, Hà Nội sẽ hỗ trợ các hộ dân xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; đồng thời tổ chức tốt các đợt tổng vệ sinh môi trường khu vực chuồng trại, những nơi có ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao để giám sát, kịp thời xử lý khi dịch bệnh xảy ra.
Trước mắt, Hà Nội tập trung xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh cho các trang trại chăn nuôi lợn (dự kiến 131 cơ sở) để bảo đảm an toàn dịch bệnh và lưu thông vận chuyển thuận lợi, sớm hình thành liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, cơ quan chức năng hướng dẫn các cơ sở sản xuất tăng cường việc nhân giống, cung ứng lợn giống an toàn cho người chăn nuôi. Theo đó, Hà Nội hỗ trợ 30% kinh phí cho việc mua lợn nái; hỗ trợ các cơ sở nuôi lợn nái sử dụng thụ tinh nhân tạo và hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay cho các tổ chức, cá nhân trong thời gian 6 tháng (từ tháng 6-2020 đến tháng 12-2020) để mua con giống, thức ăn, duy trì phát triển đàn lợn.
Ngành Nông nghiệp cũng đã làm việc với các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi (hiện trên địa bàn thành phố có 31 doanh nghiệp) để nắm bắt nhu cầu sản xuất, cũng như việc đầu tư, nhập nguyên liệu… Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề xuất với Bộ NN&PTNT và thành phố tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập nguyên liệu từ các nước có khả năng như Nga và một số nước châu Âu.
Hà Nội cũng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét việc giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu (ngô, đậu tương) giúp doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm; đồng thời kiến nghị ngân hàng cho các doanh nghiệp vay vốn theo dự án, hỗ trợ lãi suất vay vốn tạo thuận lợi cho các đơn vị có nguồn vốn duy trì sản xuất và nhập khẩu. Thành phố cũng có kế hoạch hỗ trợ vùng sản xuất nguyên liệu (ngô, sắn) đáp ứng một phần cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp thành phố sẽ rà soát từng đối tượng vật nuôi để đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu phát triển từng vùng cũng như quy mô và sản phẩm chủ lực đáp ứng nhu cầu thị trường; giảm chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư. Thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp ổn định thị trường, tránh tình trạng đẩy giá thịt lợn tăng quá cao; bảo đảm hài hòa lợi ích của người chăn nuôi, người phân phối, cung ứng dịch vụ và người tiêu dùng. Bởi nếu giá thịt lợn quá cao thì các trang trại, doanh nghiệp sẽ mất thị trường trong nước và thay vào đó là thịt lợn nhập khẩu chiếm lĩnh thị trường khi Việt Nam tham gia hội nhập.
Về lâu dài, Hà Nội sẽ ban hành chính sách đưa chăn nuôi ra ngoài khu dân cư và cấm chăn nuôi trong khu vực nội thành theo Luật Chăn nuôi. Ưu đãi các doanh nghiệp về thủ tục thuê đất, giải phóng mặt bằng mở rộng quy mô chăn nuôi; xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để có nhiều sản phẩm thịt chế biến sâu; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong xử lý môi trường bằng vi sinh, đệm lót sinh học.
- Và một vấn đề nữa đã được nhiều người nhắc đến là thói quen sử dụng thịt lợn của người Việt trong khi có nhiều loại thịt khác để thay thế. Vậy chúng ta nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Hà Nội sẽ làm gì để thay thế nguồn cung thịt lợn trước mắt và lâu dài?
- Để tăng nguồn cung thực phẩm, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc tái đàn lợn lên 1,8 triệu con (bằng mức trước khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi); đồng thời tập trung phát triển đàn gia cầm lên 38 triệu con (tăng 1,33% so với năm 2019); đàn bò là 160 nghìn con (tăng 11,5%); đàn trâu là 25,5 nghìn con (tăng 2%) so với năm 2019 để cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng thực phẩm của người tiêu dùng Thủ đô.
Bên cạnh đó, để thay đổi thói quen tiêu dùng thịt lợn của người dân, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các thực phẩm thay thế thịt lợn như: Thịt gà, bò, cá, hải sản... Thành phố định hướng cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tăng cường cung cấp các sản phẩm thịt lợn chế biến sẵn từ nguồn nhập khẩu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người dân và thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt nóng để giảm áp lực cho nguồn cung thị trường.
Tóm lại, phải triển khai đồng bộ các giải pháp thì việc tái đàn chăn nuôi mới đạt hiệu quả cao khi vừa bảo đảm được nguồn cung thực phẩm, vừa thúc đẩy nông nghiệp Thủ đô phát triển.
- Trân trọng cảm ơn ông!