Nâng chất lượng quy hoạch bằng công nghệ số
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 06:28, 19/12/2022
Nhận rõ thực trạng
Từ nhận định quy hoạch hiện chưa thực sự phát huy hiệu quả là một công cụ định hướng và đầu tư phát triển đô thị, TS.KTS Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, quy hoạch không hợp lý và không được thực thi có thể cản trở sự phát triển chung của đô thị. Soi chiếu vào công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch của Hà Nội thời gian qua có thể thấy rõ điều này.
Nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, Hà Nội đã triển khai trên phạm vi toàn thành phố và đã hoàn thành khối lượng lớn đồ án quy hoạch các cấp độ. Cùng với số lượng các đồ án, chất lượng quy hoạch cũng được nâng lên với những yêu cầu mới, đặc biệt là nghiên cứu tích hợp nhiều lĩnh vực trong quy hoạch… Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đã bộc lộ nhiều điểm chưa phù hợp thực tế phát triển. Chất lượng một số đồ án chưa cao, dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình lập dự án đầu tư. Tiến độ lập các đồ án, nhất là quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường hay thiết kế đô thị còn chậm. Việc thiếu cơ chế chính sách chuyển hóa quy hoạch thành các chương trình, kế hoạch thực thi dẫn đến nhiều quy hoạch “treo”, điển hình như quy hoạch 5 đô thị vệ tinh…
Nhìn nhận trên phạm vi rộng hơn, theo GS.TS.KTS Nguyễn Tố Lăng, nguyên Vụ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội, thời gian qua, việc quy hoạch đô thị vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, như phương pháp, quy trình và nội dung lập quy hoạch đô thị chưa tiên tiến. Việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật còn có lúc bất cập. Hệ thống cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ và chất lượng dự báo phát triển chưa cao.
Nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch và phát triển đô thị bền vững, nhiều chuyên gia cùng đề xuất giải pháp chuyển đổi số. Việc áp dụng những công cụ quản lý kỹ thuật hiện đại, chính xác và có hiệu quả sẽ hỗ trợ chính quyền đưa ra các quyết định chính xác cho sự phát triển bền vững của đô thị. Trong đó, việc tích hợp dữ liệu trong nền tảng số về quy hoạch và phát triển đô thị, ứng dụng công nghệ hệ thống thông tin địa lý (GIS) có vai trò rất quan trọng.
Những yêu cầu cấp thiết
Tại Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 được tổ chức mới đây, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, Nghị quyết số 06-NQ/TƯ, ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị, về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhấn mạnh đến việc đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị. Về phương thức thực hiện, Nghị quyết nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy nhanh các ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là các ứng dụng công nghệ số, nền tảng số, thúc đẩy chuyển đổi số trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.
Theo Tiến sĩ Lưu Đức Minh, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, Nghị quyết số 06-NQ/TƯ đã đề cập đến công nghệ hệ thống thông tin địa lý (GIS). Sau gần 30 năm nghiên cứu, GIS không thể thiếu trong công tác lập quy hoạch. “Thực tế, các quy hoạch lớn của Việt Nam đều ứng dụng GIS. Song để ứng dụng được GIS hiệu quả phải có cơ sở dữ liệu và dữ liệu quy hoạch luôn được cập nhật, phải là dữ liệu sống. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số”, Tiến sĩ Lưu Đức Minh cho biết.
Còn theo GS.TS.KTS Nguyễn Tố Lăng, để có được hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ về quy hoạch đô thị, cần xây dựng hệ thống dữ liệu toàn quốc, ứng dụng rộng rãi hệ thống thông tin địa lý và công nghệ số, nền tảng số; thiết lập các công cụ và phương pháp thích hợp để nghiên cứu, đánh giá hiện trạng.
“Trước mắt công tác quy hoạch cần cải thiện chất lượng trên cơ sở dữ liệu đầu vào và dự báo khoa học, chính xác; áp dụng công nghệ tiên tiến như hệ thống thông tin địa lý GIS vào phân tích, nhận diện vấn đề và hỗ trợ cho lập quy hoạch; bổ sung hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức đơn giá về quy hoạch và đầu tư xây dựng đô thị”, TS.KTS Trần Thị Lan Anh cùng nêu quan điểm.
Điều đáng mừng là gần đây, công nghệ GIS đã được áp dụng tại một số đơn vị và cơ quan quản lý địa phương. Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã xây dựng dữ liệu quy hoạch dạng GIS để cung cấp thông tin quy hoạch đa dạng hơn, các dữ liệu có tính mở và kết nối cao, có thể đưa vào phần mềm để phân tích, đánh giá… Viện đã thực hiện GIS hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; quy hoạch phân khu; quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch chung các huyện, quy hoạch đô thị vệ tinh, dữ liệu chỉ giới đường đỏ và số liệu hạ tầng kỹ thuật…
Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy, hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng sẽ hỗ trợ người làm quy hoạch, góp phần nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý có thể kiểm tra, giám sát thực hiện theo quy hoạch hiệu quả hơn.