Châu Âu kéo dài hạn chế nhập cảnh: Giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh
Thế giới - Ngày đăng : 06:25, 10/05/2020
Trước đó, từ tháng 3, các nước Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện quyết định này sau khi các thành viên EU thuộc không gian đi lại tự do Schengen thất bại trong việc tự đóng cửa biên giới nội khối. Theo quan điểm của EC, kéo dài hạn chế nhập cảnh tại thời điểm này là cần thiết bởi tình hình dịch bệnh của châu Âu và thế giới đều ở trạng thái “rất mong manh”. EC cũng cho biết, bất kỳ sự gia hạn nào nữa của việc hạn chế đi lại sau ngày 15-6 sẽ được xem xét dựa trên tình hình dịch bệnh thực tế. Ngoài ra, việc dỡ bỏ các hạn chế cũng cần tiến hành theo từng bước và có chiến lược cụ thể để tránh nguy cơ dịch Covid-19 bùng nổ lần thứ hai.
Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề nội vụ Ylva Johansson cho rằng, giờ là lúc châu Âu cần ưu tiên cho việc dỡ bỏ dần những hạn chế về đi lại tự do và kiểm soát biên giới nội bộ. Việc mở cửa biên giới cũng như bảo đảm quyền nhập cảnh vì các mục đích không thiết yếu cho những người không phải là công dân EU chỉ có thể được tiến hành sau khi hoạt động đi lại trong EU đã an toàn và không còn trở ngại. Quan điểm kiểm soát di chuyển để tránh dịch Covid-19 lây lan tới nay được lãnh đạo các nước thuộc liên minh ủng hộ.
Hiện, người dân tại nhiều nước châu Âu đã bắt đầu được ra khỏi nhà sau nhiều tuần cách ly nhưng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về vệ sinh dịch tễ. Tại Bỉ, các doanh nghiệp đã đón nhân viên trở lại làm việc trong tuần qua với khẩu trang trở thành phụ kiện bắt buộc trong giao thông công cộng với người trên 12 tuổi. Trong khi đó, lệnh phong tỏa tại Tây Ban Nha chấm dứt từ ngày 9-5 và Thủ tướng nước này Pedro Sanchez cũng công bố kế hoạch nới lỏng từng bước các biện pháp phong tỏa theo 4 giai đoạn, tiến tới kết thúc vào cuối tháng 6-2020. Tại Italia, doanh nghiệp bán lẻ, bảo tàng, địa điểm văn hóa và thư viện tới ngày 18-5 sẽ được mở cửa trở lại. Nếu không có bất thường xảy ra, hầu hết hoạt động trong EU sẽ được nối lại trước ngày 15-6, đồng nghĩa rằng đây là thời điểm phù hợp để EU có thể mở cửa biên giới.
Mặc dù vậy, giới phân tích cũng lo ngại về việc kéo dài hạn chế đi lại sẽ tiếp tục khiến kinh tế EU chịu thêm nhiều thiệt hại, đồng thời làm chậm quá trình phục hồi sau dịch bệnh. Theo ước tính, các khách sạn và nhà hàng trên toàn châu Âu sẽ mất khoảng một nửa doanh thu trong năm 2020. Italia hiện đã chứng kiến thu nhập từ ngành Du lịch sụt giảm tới 95% trong tháng 3 vừa qua so với cùng kỳ năm 2019 trong khi con số này với Tây Ban Nha là 77%. Thế nhưng, lĩnh vực du lịch đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với quá trình khôi phục kinh tế của châu Âu và điều này đã được chứng minh sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2007-2008.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở nhiều khu vực trên thế giới dù đã tiến triển khả quan nhưng chưa thể kiểm soát hoàn toàn, sự thận trọng của lãnh đạo các nước châu Âu là cần thiết khi nguy cơ lây lan vi rút SARS-CoV-2 vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, nhiệm vụ khôi phục sản xuất kinh doanh cũng vô cùng quan trọng. Do đó, việc mở cửa dần theo từng giai đoạn với các kế hoạch cụ thể, những tiêu chí và quy định hợp lý sẽ giúp giảm thiểu rủi ro về sự quay lại của dịch bệnh, bảo đảm quá trình phục hồi kinh tế bền vững.