Hệ thống rạp chiếu phim: Đón khán giả bằng sự an toàn, hấp dẫn

Văn hóa - Ngày đăng : 06:12, 10/05/2020

(HNM) - Sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu được mở cửa trở lại bình thường, trừ vũ trường và karaoke; các đơn vị kinh doanh, sản xuất điện ảnh đã tích cực chuẩn bị để đón khán giả. Nhiều hệ thống rạp chiếu phim bắt đầu hoạt động trở lại vào cuối tuần này. Là ngành dịch vụ văn hóa, giải trí thu hút đông đảo công chúng, các rạp chiếu phim đều tính toán phương án phục vụ vừa bảo đảm an toàn, vừa hấp dẫn.

Các rạp chiếu phim đang tích cực thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng dịch để đón khán giả trở lại.

Sẵn sàng phương án phục vụ

Từ ngày 9-5, các cụm rạp của CGV, BHD Star Cineplex, Galaxy Cinema mở cửa trở lại để phục vụ người hâm mộ điện ảnh. Bên cạnh việc chuẩn bị phim, các đơn vị này đều thống nhất áp dụng và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình phục vụ khách, như: Sử dụng màn kháng khuẩn trên các tay cầm và cánh cửa ra vào rạp; khử khuẩn liên tục các phòng chiếu; kiểm tra thân nhiệt khán giả; khuyến khích khách hàng thực hiện giao dịch trực tuyến…

Để đón khán giả chu đáo, an toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Điện ảnh Hà Nội (đơn vị quản lý Rạp Tháng 8 tại 45 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm) Lê Thanh Tấn, cho biết, những ngày gần đây, doanh nghiệp tích cực vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ hệ thống Rạp Tháng 8; kiểm tra máy móc, thiết bị; cập nhật thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới; làm việc với các đối tác để thống nhất danh mục phim. Rạp Tháng 8 yêu cầu tất cả nhân viên và khán giả đeo khẩu trang khi đến rạp, bố trí dung dịch rửa tay sát khuẩn, thực hiện đo thân nhiệt khán giả trước khi vào rạp, bán vé cách ghế để bảo đảm khoảng cách an toàn. Đơn vị cũng đẩy mạnh hệ thống bán vé trực tuyến, nhằm giảm lượng người đến mua vé trực tiếp và chờ đợi lâu để xem phim. 

Trung tâm Chiếu phim quốc gia (87 Láng Hạ, quận Ba Đình) cũng đang tích cực chuẩn bị phim và hệ thống phòng chiếu phục vụ người yêu điện ảnh. Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia Nguyễn Danh Dương cho biết, tuy rất mong được đón khán giả đến rạp, nhưng đơn vị luôn xác định chỉ mở cửa trở lại khi mọi điều kiện về phòng, chống dịch được bảo đảm.

Nhằm thu hút khán giả đến rạp, các đơn vị đều lựa chọn danh mục phim chất lượng, hấp dẫn. Trong đó, có những phim Việt Nam được mong đợi, như “Truyền thuyết về Quán Tiên” - bộ phim về chiến tranh cách mạng của đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ khởi chiếu ngày 22-5. Tiếp sau đó là phim “Bằng chứng vô hình” về đấu tranh với tội phạm, phản ánh nhiều vấn đề thời sự nóng hổi của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh ra mắt ngày 10-7. 

Bên cạnh đó, một loạt phim điện ảnh nước ngoài cũng dày đặc lịch chiếu, như: “Phi vụ đào tẩu”, “Bẫy linh hồn”, “Kẻ tẩu thoát giấc mơ”… cho người thích thể loại hành động, mạo hiểm; “Ác quỷ rừng sâu” dành cho khán giả ưa phim kinh dị; “Yêu nhau mùa ế”, “Bà hoàng nói dối”… phù hợp với người lãng mạn, vui vẻ; còn “Nhím, sóc và viên đá thần kỳ” đón đợi khán giả “nhí”… Một số đơn vị đưa trở lại rạp những “bom tấn” như: “Quá nhanh, quá nguy hiểm: Hobbs & Shaw”, “Johnny English”...

“Truyền thuyết về Quán Tiên” - bộ phim về chiến tranh cách mạng của điện ảnh Việt đã sẵn sàng ra rạp ngày 22-5.

Tiến chậm, chắc để dần phục hồi

Theo khảo sát của Moveek - trang thông tin điện ảnh và phân phối sản phẩm dịch vụ điện ảnh hàng đầu Việt Nam, 75% chủ rạp chiếu phim trong nước được hỏi cho rằng, trở lại hoạt động trong tháng 5 sẽ dần khắc phục được khó khăn thời gian qua. Có 87% chủ rạp dự đoán lượng khán giả sẽ chỉ đạt 30% so với thời điểm trước dịch Covid-19, song vẫn háo hức được mở cửa. Kênh này cũng khảo sát đối với khán giả và kết quả 54,2% số người phản hồi đã sẵn sàng đi xem phim tại rạp; 88,3% số người phản hồi mong đợi có phim hay để thưởng thức hơn là những gói khuyến mại, giảm giá.

Chị Nguyễn Thị Ngọc (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) cho hay: “Gia đình tôi sẽ là một trong số những khán giả đầu tiên, khi hệ thống rạp mở cửa trở lại. Thời gian qua, dù có tiếp cận với dịch vụ xem phim trực tuyến, nhưng cảm giác ngồi trong rạp với màn ảnh rộng và âm thanh chất lượng luôn là trải nghiệm đáng nhớ. Tôi tin tưởng, các rạp sẽ bảo đảm an toàn cho khách và mọi người đều có ý thức phòng, chống dịch”.  

Các nhà sản xuất và người làm điện ảnh cũng tỏ ra rất háo hức khi hệ thống rạp hoạt động trở lại. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết, rất tiếc vì bộ phim “Trạng Tí” do ông đạo diễn phải lùi lịch chiếu đến Tết Tân Sửu 2021 để hoàn thiện kỹ xảo, trau chuốt nội dung, bởi dịch Covid-19 mà công việc này bị đình trệ. Song, phim “Tiệc trăng máu” do ông giữ vai trò nhà sản xuất đã hoàn thành và muốn ra rạp đúng hẹn, đáp ứng mong đợi của khán giả. Dù nhận định thời gian đầu doanh thu chiếu phim không cao, do lượng khán giả chưa đông, còn tâm lý e dè, nhưng các nhà sản xuất và người làm phim đều cho rằng, phải chuyển động và xúc tiến dần thì ngành Điện ảnh mới sớm phục hồi. Hơn nữa, nhiều phim “bom tấn” của Hollywood đã lùi lịch chiếu 1-2 năm, nên thời gian đầu khi mở cửa rạp sẽ là cơ hội để phim Việt thu hút khán giả, ít bị cạnh tranh.

Theo Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia Nguyễn Danh Dương, phương châm hoạt động của các doanh nghiệp thời gian này là đáp ứng nhu cầu của người yêu điện ảnh, tạo sự an toàn, tin tưởng để khán giả quay trở lại rạp, góp phần vào quá trình phục hồi các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô và đất nước.

Với những bước tiến chậm mà chắc như vậy, hy vọng ngành Điện ảnh Việt sẽ sớm phục hồi và phát triển mạnh mẽ.

An Nhi