Nạn đổ trộm phế thải xây dựng trên địa bàn Hà Nội: Cần xử lý quyết liệt hơn
Công nghệ - Ngày đăng : 06:15, 12/05/2020
“Điểm mặt” vi phạm
Những ngày gần đây, người dân khu dân cư Linh Đàm, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) bức xúc khi chứng kiến cảnh hàng chục xe ô tô, xe tự chế ngày đêm chở phế thải xây dựng đổ vào khu vực đất nông nghiệp phía sau đình Linh Đàm. Ông Vũ Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt thừa nhận tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng tại khu vực sau đình Linh Đàm xảy ra nhiều năm nay, đồng thời cho biết, ngày 27-4, tổ công tác của phường đã phát hiện, bắt giữ một xe ô tô đang đổ đất thải trái phép tại khu vực này và chuyển Công an quận Hoàng Mai thụ lý, giải quyết.
Hành vi đổ trộm đất, phế thải xây dựng cũng diễn ra ở dọc bờ lạch sông Hồng, đoạn qua các phường: Tứ Liên, Nhật Tân, Yên Phụ, Phú Thượng (quận Tây Hồ). Về tình trạng này, Báo Hànộimới đã nhiều lần phản ánh, nhưng đến nay vi phạm vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Ngày 8-5, khảo sát của phóng viên tại khu vực giáp lạch sông Hồng thuộc quận Tây Hồ cho thấy, lượng phế thải xây dựng bị đổ trộm xuống lạch sông Hồng rất nhiều.
Ông Vũ Văn Ảnh, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê số 2 (Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội) cho biết: “Hạt đã có văn bản gửi UBND phường Tứ Liên đề nghị xác minh các đối tượng có hành vi vi phạm và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do phường chưa quyết liệt, nên vi phạm vẫn tồn tại”.
Tương tự, tình trạng đổ trộm phế thải liên tục tái diễn ở khu đất nông nghiệp thuộc xã An Thượng (huyện Hoài Đức), giáp cầu vượt Song Phương. Đáng lưu ý, tại xã Tân Triều (huyện Thanh Trì), mặc dù địa phương này đã được quy hoạch 2 điểm tập kết phế thải xây dựng ở thôn Yên Xá và Triều Khúc với tổng diện tích khoảng 2.000m2, nhưng nhiều người vẫn cố tình đổ trộm phế thải ra một số tuyến đường, khu đất xen kẹt trên địa bàn.
Nguyên nhân chính dẫn đến nạn đổ trộm phế thải chưa được xử lý kịp thời được các địa phương lý giải, đó là việc đổ trộm diễn ra chủ yếu vào buổi trưa, ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ; ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế, cố tình đổ trộm phế thải. Ngoài ra, chính quyền một số địa phương cũng thừa nhận chưa quyết liệt thực hiện các biện pháp ngăn chặn và xử lý, nên vi phạm vẫn tái diễn.
Tăng cường kiểm tra, quyết liệt xử lý
Khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, hầu hết các địa phương đều nêu khó khăn. Ông Đặng Ngọc Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho hay: "Khó nhất hiện nay là lực lượng chức năng của xã rất mỏng, các đối tượng chủ yếu đổ vào ban đêm, tại các khu rìa làng, hành vi đổ trộm diễn ra nhanh nên khó bắt quả tang để xử lý".
Còn ông Lê Hùng Phong, cán bộ Đội Quản lý trật tự xây dựng - đô thị phường Tứ Liên nêu: Phường đã cho dựng barie, chôn cột ngăn xe chở phế thải xây dựng đi qua tại một số lối xuống lạch sông Hồng, nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng, các đối tượng đã phá barie để vận chuyển phế thải vào đổ trộm.
Về các giải pháp khắc phục vi phạm trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho biết, UBND quận đang chỉ đạo các cơ quan chức năng quận, UBND các phường phối hợp với Hạt Quản lý đê số 2 đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ gia đình, cá nhân khi cải tạo, xây mới công trình có phương án xử lý, vận chuyển phế thải đến đúng nơi quy định. Đồng thời, điều tra, xác minh đối tượng vi phạm; xây dựng kế hoạch khắc phục tồn tại trong thời gian sớm nhất.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Lý, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức thông tin, huyện sẽ duy trì lực lượng tăng cường tuần tra, xử lý dứt điểm nạn đổ trộm phế thải trên địa bàn, chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch xử lý lượng phế thải tồn đọng.
Còn theo ông Vũ Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt, nhằm ngăn chặn nạn đổ trộm phế thải tại khu vực giáp đình Linh Đàm, UBND phường đã tổ chức làm rào chắn ở các vị trí, ngăn ô tô ra vào khu đất.
Trước thực trạng vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn Hà Nội diễn ra ngày càng nghiêm trọng, trong đó có nạn đổ phế thải lên hệ thống đê điều, lạch, bãi sông…, trong khi việc xử lý chưa hiệu quả, ngày 24-4-2020, UBND thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 1535/UBND-KT, giao UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá, tổng hợp các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn; tổ chức đợt cao điểm xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định của pháp luật các vi phạm tồn đọng, đặc biệt là vụ việc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ, gây bức xúc trong dư luận.