Di tích Hà Nội đón khách với nhiều đổi mới sau giãn cách xã hội
Văn hóa - Ngày đăng : 14:42, 12/05/2020
Sau một thời gian tạm dừng đón khách tham quan để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều di tích lịch sử - văn hóa tại Hà Nội (Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, nhà tù Hỏa Lò…) sẽ mở cửa trở lại từ ngày 14-5.
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho du khách và chất lượng phục vụ vẫn luôn là những ưu tiên hàng đầu. Để đảm bảo an toàn, đơn vị này đề nghị du khách đeo khẩu trang khi đến tham quan di tích, đo thân nhiệt và rửa tay bằng nước diệt khuẩn do trung tâm chuẩn bị trước khi vào tham quan.
Ngoài ra, để đảm bảo giãn cách, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đề nghị các đoàn khách tham quan có số lượng không quá 30 người/đoàn. Trong trường hợp các đoàn khách có số lượng lớn, đơn vị này sẽ chia thành các nhóm nhỏ, tổ chức lần lượt vào tham quan di tích.
Theo đại diện Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội, trong thời gian vừa qua, mặc dù tạm dừng đón khách tham quan nhưng các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ở Hà Nội vẫn thường xuyên được phun khử trùng, công tác vệ sinh môi trường được tăng cường.
Để thu hút khách tham quan trong thời gian tới, các đơn vị còn chủ động tổ chức các triển lãm chuyên đề, đổi mới cách thức trưng bày, đưa ra những sản phẩm lưu niệm đặc trưng.
Vào ngày 14-5, chương trình trưng bày chuyên đề “Khát vọng tự do” sẽ khai mạc tại di tích Nhà tù Hỏa Lò.
Không gian trưng bày làm nổi bật sự đối lập giữa một bên là không gian kiên cố của hệ thống nhà tù thực dân, đế quốc và khát khao vượt ngục của những người cộng sản kiên trung. Các hình ảnh, tài liệu, hiện vật được giới thiệu lần này sẽ tái hiện lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc qua ba phần: “Xiềng xích”, “Tung cánh giữa màn đêm” và “Khúc ca hòa bình”.
Bên cạnh đó, hoạt động giáo dục di sản tại các khu di tích sẽ tiếp tục được đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, tăng cường tương tác cho du khách trong quá trình tìm hiểu lịch sử, tham quan di tích.