Kiên trì thực hiện mục tiêu

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:03, 13/05/2020

(HNM) - Lạm phát luôn thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, bởi đây là vấn đề tác động lớn đến nền kinh tế của đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh, dẫn tới mất cân bằng cung - cầu hàng hóa, tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Chỉ có kiểm soát được lạm phát thì tăng trưởng kinh tế mới có ý nghĩa.

Trong 4 tháng đầu năm 2020, bình quân chỉ số CPI tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Điều này cũng đã được dự đoán từ trước bởi nhìn vào “rổ” hàng hóa CPI, lạm phát quý I-2020 cao hơn mức 4% chủ yếu do giá thịt lợn tăng tới 58,81% so với cùng kỳ năm trước và làm CPI chung tăng 2,47%. Mặc dù hiện nay suy thoái kinh tế toàn cầu khiến giá dầu thô giảm mạnh so với kỳ vọng, nhưng điều này có thể chưa đủ để kéo lạm phát xuống dưới 4% trong quý II-2020, bởi những diễn biến về giá thịt lợn hiện nay lại không được như mong đợi. Trong khi nguồn cung thịt lợn chưa phục hồi do ảnh hưởng từ bệnh Dịch tả lợn châu Phi, việc nhập khẩu thịt lợn quý I-2020 tăng tới 300% so với cùng kỳ năm trước có vẻ vẫn chưa đủ để kéo giá thịt lợn hơi về mức 60.000-65.000 đồng/kg…

Tuy vậy, về cơ bản, dù lạm phát trung bình quý I-2020 có tăng và cao hơn so với mục tiêu đề ra, nhưng giá cả thời gian gần đây đang có xu hướng giảm. Sở dĩ như vậy là do giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu trên thế giới giảm. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ giảm giá điện cho hộ dân, doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cũng như duy trì ổn định giá nước, gạo, nhiều loại vật tư, nguyên liệu cho sản xuất… góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và kiềm chế lạm phát. Công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát được thực hiện một cách linh hoạt và chủ động.

Mục tiêu kiểm soát chỉ số lạm phát năm 2020 dưới 4% đã được Quốc hội đề ra. Ngày 9-5, tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, điều này tiếp tục được Thủ tướng nhấn mạnh.

Để thực hiện được mục tiêu trên, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tập trung tăng cường năng lực, chủ động phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, tài chính, giá cả thế giới, trong nước để có chính sách phù hợp và kịp thời. Trong đó, cần xây dựng kịch bản, phương án điều hành giá từng mặt hàng để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng CPI dưới 4%.

Mặt khác, cần theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá. Kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá...

Một vấn đề cần đặc biệt lưu ý là bình ổn giá thịt lợn. Do vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh kiểm tra giá thành, nhất là ở các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn để có biện pháp hữu hiệu, cần giảm bớt các khâu trung gian để giảm giá thịt lợn.

Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách nhà nước; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt... Đặc biệt, cần có các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy khối doanh nghiệp tư nhân phát triển, bởi đây sẽ là động lực quan trọng trong phát triển của nền kinh tế.

Kiên trì thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%, ổn định kinh tế vĩ mô sẽ tạo nền tảng cho phát triển bền vững của nền kinh tế nước ta trong thời gian tới.

Duy Biên