Hà Nội: Khẩn trương triển khai quyết định hỗ trợ an sinh xã hội đợt 2
Đời sống - Ngày đăng : 18:39, 13/05/2020
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Nguyễn Thị Thanh Tám, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mê Linh cho biết, cùng với việc xây dựng kế hoạch, huyện Mê Linh đã thành lập các tổ thẩm định, gồm đại diện các phòng, ban, ngành, đoàn thể chức năng để thẩm định hồ sơ với các nhóm đối tượng dự kiến được hỗ trợ từ gói an sinh xã hội đợt 2.
Đối tượng thụ hưởng gồm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do); người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nghỉ việc không hưởng lương; hộ kinh doanh cá thể; người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.
Ngày mai (14-5), UBND huyện Mê Linh sẽ tổ chức cuộc họp với các phòng, ban liên quan và đại diện các xã, thị trấn để bàn phương án rà soát, lập danh sách các nhóm đối tượng theo Quyết định số 1955/QĐ-UBND bảo đảm kịp thời, chính xác, công khai, đúng đối tượng. Từ ngày 15-5 trở đi, chính quyền cấp cơ sở sẽ tiến hành rà soát cụ thể từng đối tượng, làm căn cứ xây dựng danh sách đề nghị hỗ trợ.
Với cách làm tương tự huyện Mê Linh, chính quyền cấp cơ sở quận Ba Đình cũng bắt đầu tiến hành rà soát từng trường hợp cụ thể, dự kiến được thụ hưởng từ ngày 15-5. Tuy nhiên, quận Ba Đình vẫn tiếp tục gặp vướng mắc trong việc xác định nhóm lao động tự do.
“Các cơ quan chức năng đã hướng dẫn về quy trình, cách thức triển khai, nhưng lại không có hướng dẫn cụ thể để xác định rõ tiêu chí thế nào là lao động tự do. Chẳng hạn, người lái xe mô tô hai bánh chở khách bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thuộc đối tượng dự kiến được hỗ trợ, vậy những người lái xe ôm công nghệ có phải là lao động tự do không, đến nay, chúng tôi vẫn chưa thể phân định rõ”, ông Lương Tuấn Dũng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ba Đình phản ánh.
Đồng quan điểm, bà Chu Thị Thu Hà, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Bắc Từ Liêm dẫn chứng, theo quy định, với nhóm người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nghỉ việc không hưởng lương, thì doanh nghiệp phải lập, hoàn thiện hồ sơ, sau đó qua cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận. Khi có quyết định chính thức, doanh nghiệp đi nhận tiền về phát cho người lao động trong khoảng thời gian 5 ngày làm việc. Kết thúc việc chi trả, doanh nghiệp mang hồ sơ, chứng từ lên phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện để báo cáo, đối chiếu. Quá trình này tiềm ẩn nhiều rủi ro về nguồn tiền.
Trước ý kiến của đại diện các địa phương, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, nội dung Quyết định số 1955/QĐ-UBND đã nêu, trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các ngành, địa phương phải báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định. Do đó, nếu có vướng mắc, các địa phương sớm có thông tin phản ánh kịp thời bằng văn bản.