Kinh tế thế giới thời kỳ hậu Covid-19: Phục hồi chậm nhưng chắc

Thế giới - Ngày đăng : 06:21, 14/05/2020

(HNM) - "Nền kinh tế thế giới có thể rơi vào tình trạng sụt giảm chạm đáy, sau đó mới hồi phục nhưng vững chắc" - đây là nhận định của giám đốc điều hành các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới về dự báo kinh tế toàn cầu thời kỳ hậu Covid-19.

Giải quyết bài toán kinh tế thời kỳ hậu Covid-19 đang là thách thức của bất kỳ quốc gia nào.

Đại dịch Covid-19 khiến tình trạng thất nghiệp ở hầu hết quốc gia tăng đột biến. Việc giãn cách xã hội kéo dài nhiều tháng cũng làm cho các nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo, tổ chức này có thể phải hạ dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống thấp hơn mức 3% đưa ra hồi tháng 4. Các nhà hoạch định chính sách nhận định, thị trường tiêu dùng và du lịch là hai lĩnh vực "xương sống" giúp các nền kinh tế phục hồi và tăng tốc hiện vẫn đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Ngay cả khi lệnh phong tỏa ở một số quốc gia đã được dỡ bỏ thì quy định về giãn cách xã hội vẫn khiến người dân e ngại, hạn chế sử dụng các dịch vụ và đi du lịch…

Theo Hãng nghiên cứu thị trường Coresight Research, hơn 70% người dân Mỹ cho biết sẽ tránh các khu vực công cộng; hơn 50% sẽ không đến các trung tâm mua sắm; khoảng 30% sẽ tự bảo đảm giãn cách xã hội thêm 6 tháng. Giám đốc điều hành Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus Guillaume Faury cho rằng, việc người dân chưa sẵn sàng đi lại sẽ khiến ngành công nghiệp hàng không phải mất 3-5 năm mới có thể hồi phục. Tương tự, Giám đốc điều hành Hãng thực phẩm Nestle SA Mark Schneider nhận định, những khó khăn trong lĩnh vực dịch vụ, tiêu dùng sẽ khiến quá trình phục hồi kinh tế kéo dài vài quý, thậm chí là vài năm. 

Khả năng xảy ra làn sóng SARS-CoV-2 lần thứ hai cũng dẫn tới những lo ngại trong giới đầu tư. Trong cảnh báo tới thống đốc các bang của Mỹ, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics Mark Zandi cho rằng, nếu xảy ra làn sóng Covid-19 lần thứ hai, chắc chắn dẫn tới một cuộc suy thoái toàn cầu. Nếu dịch bùng phát trở lại, nhiều quốc gia thay vì có thể đạt được sự phục hồi theo kịch bản tối ưu (mô hình chữ V - chậm nhưng vững chắc), sẽ chứng kiến diễn biến kinh tế đi theo đồ thị hình chữ W (phục hồi ngắn và tiếp tục suy thoái mạnh), hoặc tệ hơn là đồ thị hình chữ L (suy thoái sâu và giữ đáy trong thời gian dài). Theo Giáo sư Qian Jun tại Đại học Fudan (Thượng Hải, Trung Quốc), nền kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới hiện đã qua thời khắc khó khăn và bước vào "ngưỡng đầu của mô hình chữ V". Tuy nhiên, trong bối cảnh Covid-19 tác động tiêu cực ở quy mô toàn cầu, mọi sự lạc quan vào lúc này đều là quá sớm. 

Bên cạnh những bi quan về nền kinh tế toàn cầu trước nguy cơ tụt dốc, nhiều ý kiến lạc quan lại cho rằng "Covid-19 là sự khởi đầu cho một tiến trình phát triển kinh tế mới mẻ và bền vững". Khó khăn từ dịch bệnh khiến nhiều quốc gia và các tập đoàn toàn cầu mạnh dạn thay đổi, hướng tới xây dựng hạ tầng và mô hình hoạt động tiên tiến, ứng dụng hàm lượng công nghệ cao. Giám đốc điều hành Hãng Microsoft Satya Nadella cho biết, chỉ trong 2 tháng qua, tập đoàn phần mềm này đã ghi nhận sự chuyển biến lẽ ra phải kéo dài trong 2 năm của thị trường công nghệ. Bên cạnh đó, việc các quốc gia không ngừng đưa ra nhiều gói hỗ trợ kinh tế với quy mô lớn, nới lỏng chính sách tiền tệ cùng với mức lãi suất cho vay thấp kỷ lục... là "cú hích" giúp doanh nghiệp hồi phục và phát triển vững chắc. 

Theo các nhà phân tích, giải quyết bài toán kinh tế thời kỳ hậu Covid-19 đang là thách thức của bất kỳ quốc gia nào. Nếu lộ trình này được thực hiện đồng bộ, thích hợp và an toàn ở tất cả các nước thì cỗ máy kinh tế thế giới sẽ trở lại với guồng quay "phục hồi chậm nhưng chắc".

Hoàng Linh