Dòng chảy lớn trong không gian văn học Việt Nam
Văn hóa - Ngày đăng : 09:04, 14/05/2020
1. Trong một cuộc nói chuyện xoay quanh vấn đề văn hóa, văn nghệ gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, GS.TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự thể hiện tập trung nhất chủ nghĩa Mác - Lênin, đó là nền tảng tư tưởng của Đảng, là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Chính vì thế, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh. Mặt khác, các thế lực thù địch cũng tập trung xuyên tạc, nói xấu, phủ định tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Văn học nghệ thuật với tư cách là một hình thái ý thức xã hội đặc thù, là một mặt trận, vì vậy, vừa phải tăng cường tuyên truyền, cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng, cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn xấu độc của kẻ thù, phát huy vai trò phản biện, đấu tranh với luận điệu của các thế lực thù địch, vừa phải xây dựng những tác phẩm văn học nghệ thuật giàu giá trị thẩm mỹ, tư tưởng, làm sáng lên tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chỉ xét riêng ở khía cạnh tôn vinh, ngợi ca, làm sáng lên tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thấy vai trò to lớn của văn học. Có thể nói, chủ thể đấu tranh trên mặt trận văn học là các văn nghệ sĩ trong và ngoài quân đội, đã và đang phục vụ trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước. Về mặt con người, lực lượng, nếu hình dung một cách xuyên suốt, có rất nhiều nhà văn đã lựa chọn Bác Hồ là đề tài, cảm hứng, nhân vật, hình tượng trong các tác phẩm của mình.
Trong thơ, chúng ta thấy những tên tuổi lớn như Tố Hữu (Bác ơi, Sáng tháng Năm, Theo chân Bác...), Chế Lan Viên (Bữa cơm thường trong bản nhỏ, Người đi tìm hình của nước), Xuân Diệu (Ảnh cụ Hồ, Thơ dâng Bác Hồ, Thăm Pác Bó, Đi theo Bác Hồ...), Huy Cận (Nén hương nhớ Bác), Hoàng Trung Thông (Đọc thơ Bác), Minh Huệ (Đêm nay Bác không ngủ), Thanh Hải (Cháu nhớ Bác Hồ), Thanh Tịnh (Trăm năm nhớ một chuyến đò), Viễn Phương (Viếng lăng Bác), Vũ Quần Phương (Thấm trong Di chúc), Anh Thơ (Con đã về nơi Bác ở ngày xưa), Trần Đăng Khoa (Ảnh Bác, Em gặp Bác Hồ), Phan Thị Thanh Nhàn (Giếng nước Bác Hồ)...
Trong văn xuôi là những tác giả rất quen thuộc, đã gắn bó với tâm thức người dân Việt Nam thông qua hình tượng Bác Hồ. Đó là Sơn Tùng (Búp sen xanh, Bông sen vàng), Hồ Phương (Cha và con), Hoàng Quảng Uyên (Mặt trời Pác Bó, Trông vời cố quốc, Giải phóng), Nguyễn Thế Quang (Khúc hát những dòng sông)...
Trong lý luận phê bình văn học, những tên tuổi như Đặng Thai Mai, Trần Huy Liệu, Nguyễn Khánh Toàn, Hoàng Trung Thông, Hoài Thanh, Đỗ Đức Hiểu, Hoàng Như Mai, Phạm Đức Dương, Phương Lựu, Thành Duy, Hồ Sĩ Vịnh, Lữ Huy Nguyên, Hà Minh Đức, Phong Lê, Lê Xuân Đức, Đoàn Trọng Huy, Nguyễn Thanh Tú, Phạm Duy Nghĩa, Đoàn Minh Tâm... đã có nhiều công trình, bài viết quan trọng, góp phần nghiên cứu, phổ biến, làm sáng tỏ nhiều giá trị cao quý trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, còn rất nhiều công trình nghiên cứu, luận án, luận văn, khóa luận, các hội thảo, tọa đàm về di sản văn hóa, văn học, tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh...
2. Văn học viết về đề tài lãnh tụ, mà cụ thể là viết về Hồ Chí Minh có thể được xem là dòng chảy khá lớn của văn học Việt Nam. Các tác giả đều tập trung vào khía cạnh giá trị, tầm ảnh hưởng, tính trường tồn, khả năng lan tỏa, thích ứng trong hoàn cảnh lịch sử dân tộc của tinh thần, tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật, thẩm mỹ Hồ Chí Minh. Dĩ nhiên, đó không phải là sản phẩm tiên thiên, có sẵn. Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh hình thành và kết tinh trong suốt cuộc đời của Bác. Bởi vậy, mỗi nhà văn đều tự tìm thấy cho mình những khía cạnh, chủ đề yêu thích, hứng thú, từ đó triển khai thành tác phẩm.
Tư tưởng không đến từ hư vô siêu hình. Tư tưởng Hồ Chí Minh kết tinh hình thành trong suốt cuộc đời của Bác, từ thơ ấu ở làng Sen đến những chân trời Âu - Mỹ - Phi xa xôi, từ phương Đông tới phương Tây, từ truyền thống đến hiện đại. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng nêu định nghĩa: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn hóa nhân loại”.
Có thể nói, định nghĩa này đã thâu tóm được những vấn đề vừa cụ thể vừa bao quát về tư tưởng và qua đó làm sáng rõ tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh. Tư tưởng của Người, về căn bản được hình dung trên một số phương diện như: Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ trung thành của nhân dân. Với mỗi khía cạnh, mỗi phương diện trong tư tưởng Hồ Chí Minh, các nhà văn đều có thể tìm thấy cho mình nguồn cảm hứng và những gợi mở quan trọng.
Văn chương không phải là hình thái phản ánh có tính trùng khít hay mô phỏng hiện thực một cách máy móc, rập khuôn, đó là nghệ thuật của tinh thần, nghệ thuật của trí tưởng tượng và cảm hứng, mang yếu tố tượng trưng và gián tiếp. Bởi vậy, các nhà văn dường như có thêm cơ hội để tiếp cận sinh động hơn tư tưởng, đạo đức và cuộc đời của Bác. Văn chương mở ra chân trời mới cho nhà văn, để đôi cánh của trí tưởng tượng được bay bổng. Trong không gian ấy, những giá trị của tư tưởng, đạo đức Bác Hồ được lan tỏa và càng trở nên vững chắc. Bảo vệ tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là bảo vệ chân lý và sự thật. Sự thống nhất trong tính chỉnh thể của nghệ thuật là khi lòng kính yêu, ngưỡng mộ, sự trân trọng biết ơn, ý chí bảo vệ vững chắc và phát huy giá trị đạo đức Hồ Chí Minh chuyển hóa thành khát vọng thẩm mỹ, tình cảm thẩm mỹ, nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật.
Thực ra, từ phương diện chủ thể, không nhất thiết phải là các nhà văn trong hay ngoài quân đội, trong Đảng hay ngoài Đảng, bất kỳ ai cũng có thể bày tỏ tình cảm đối với Bác. Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh có sức lan tỏa và cảm hóa, có sức kêu gọi và hiệu triệu, có khả năng định hướng và kiến tạo, có giá trị to lớn và bao trùm để những ai yêu quý Bác đều có thể viết về Bác. Như thế, trong không gian của văn học nghệ thuật, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh luôn được nới rộng, luôn được phát triển và bồi đắp.
3. Mỗi khi nghĩ về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhìn lại dấu ấn của Người trong văn chương nghệ thuật, ta cảm nhận được lời thơ chân thành của Tố Hữu: “Bác Hồ đó là lòng ta yên tĩnh/ Ôi người cha, đôi mắt mẹ hiền sao/ Giọng của Người không phải sấm trên cao/ Ấm từng tiếng thấm vào lòng mong ước/ Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước/ Tiếng nghìn xưa và cả tiếng mai sau” (Sáng tháng Năm).
Tiếng lịch sử đã kết tinh, hội tụ trong tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, khiến cho nghĩ về Bác, viết về Bác cũng là viết về tư tưởng, văn hóa, đạo đức của dân tộc, từ ngàn xưa cho đến ngàn sau. Như thế, Hồ Chí Minh đã nối mình vào mạch nguồn di sản tinh thần dân tộc, trong những giá trị cao cả, nhân văn, thiêng liêng nhất hướng đến con người một cách nhân bản. Văn học đi sâu vào các tầng vỉa ấy là cắm rễ vào dân tộc. Và, hiển nhiên, cây đời cứ mãi mãi xanh tươi.
Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam:
"Bác Hồ là sự kết tinh cao đẹp nhất các giá trị văn hóa Việt Nam, truyền thống Việt Nam. Tên tuổi và sự nghiệp của Bác từ lâu trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo của đông đảo văn nghệ sĩ. Ngay từ khi Bác còn sống, ngay trong lúc chúng ta còn đang hoạt động bí mật, thì đã có biết bao nhiêu tác phẩm viết về Bác. Viết về Bác không chỉ là viết về cá nhân Bác, mà còn là thông qua hình ảnh Bác để viết về đất nước ta, nhân dân ta, dân tộc ta. Chúng ta đã có nhiều sáng tác hay về Bác. Những sáng tác ấy đã đi vào lòng người, trở thành di sản tinh thần của mọi người Việt Nam yêu nước, khích lệ nhân dân cùng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vững mạnh. Trong chiến tranh, viết về Bác là viết tinh thần giải phóng dân tộc, khơi dậy sức mạnh dân tộc để giành độc lập tự do; còn viết về Bác ngày hôm nay là “làm theo tấm gương của Bác” để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo đúng mong đợi “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” của Người".