Tìm hiểu lịch sử cách mạng qua trưng bày "Khát vọng tự do"

Văn hóa - Ngày đăng : 10:47, 14/05/2020

(HNMO) - Ngày 14-5, lễ khai mạc trưng bày "Khát vọng tự do" đã diễn ra tại di tích Nhà tù Hỏa Lò. Sự kiện do Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức, thiết thực kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020); 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020) và 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020).

Trưng bày "Khát vọng tự do" được tổ chức nhằm tôn vinh, nhắc nhớ về tinh thần quả cảm của các chiến sĩ cách mạng, lòng yêu nước và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam, qua đó góp phần khơi dậy niềm tự hào, động lực để thế hệ trẻ tiếp bước truyền thống và thành quả cách mạng của cha ông trong xây dựng nước Việt Nam hòa bình và phát triển.

Trưng bày kể về hành trình vươn tới tự do của các chiến sĩ cách mạng, tù chính trị tại các nhà tù: Hỏa Lò, Sơn La, Phú Quốc, Côn Đảo..., nơi thực dân, đế quốc thi hành chế độ lao dịch hà khắc, với mục đích dùng sự khổ ải để khuất phục ý chí người Việt Nam yêu nước.

Tại đây, những người con kiên trung, quả cảm của Tổ quốc không một phút giây nào buông xuôi, cam chịu chết dần mòn nơi tù ngục, từng ngày, từng giờ tìm mọi cách vượt qua xiềng xích, trở về với tự do, trở về với cách mạng.

"Khát vọng tự do" ấy đã góp phần hiện thực hóa hàng trăm cuộc vượt ngục, trong đó, không ít hành trình đã trở thành huyền thoại, như các cuộc vượt ngục năm 1932, 1945, 1951 tại Nhà tù Hỏa Lò với cái tên Thăng thiên (trèo tường), Độn thổ (chui cống ngầm), Vuốt râu hùm (đi qua cửa ngục); cuộc vượt ngục vào các năm 1941, 1943 tại Nhà tù Sơn La của các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Lưu Đức Hiểu, Nguyễn Văn Trân; các cuộc vượt ngục giữa khơi xa tại Nhà tù Côn Đảo, Trại giam tù binh Phú Quốc năm 1965, 1969, 1971...

Với 3 phần nội dung, gồm: "Xiềng xích", "Tung cánh giữa màn đêm" và "Khúc ca hòa bình", trưng bày khắc họa rõ nét từng giai đoạn của hành trình vươn tới "Khát vọng tự do", từ khổ hạnh nơi lao tù, những kế sách vượt ngục thần kỳ đến thành tựu mà các cựu tù chính trị mang lại cho nhân dân, cho đất nước sau khi thoát khỏi lao tù.

Không gian trưng bày của nội dung "Xiềng xích" được đặc tả bằng gam màu trầm, lạnh với các hình ảnh, tư liệu đắt giá được đặt cách điệu trong hình tượng lưới mắt cáo hay những trận mưa bom, bão đạn.

Nội dung "Tung cánh giữa màn đêm" được xây dựng trên nền hình ảnh ẩn dụ những cách chim hướng về tự do, đối lập với sự kiên cố, hà khắc của ngục tù, trong khi nội dung "Khúc ca hòa bình" tạo điểm nhấn ấn tượng với những thước phim tư liệu, những bảng vàng ghi công các chiến sĩ cách mạng...

Đến với trưng bày, du khách có cơ hội gặp gỡ những nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia vào các cuộc vượt ngục, như: Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, người phá ngục Trại giam Phú Bài tháng 3-1945; ông Nguyễn Hà Long, thương binh 2/4, người khởi xướng phong trào đào hầm vượt ngục tại phân khu A2, Trại giam tù binh Phú Quốc đêm 19-1-1969; ông Đỗ Trọng Dư, "chuyên gia" làm xẻng, nắp hầm tại Trại giam tù binh Phú Quốc; thân nhân gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Văn Tiến Dũng, đồng chí Trần Tử Bình, đồng chí Trần Đăng Ninh...

Trưng bày "Khát vọng tự do" tại di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ kéo dài đến hết tháng 7-2020.

Một số hình ảnh về hoạt động tham quan tại trưng bày “Khát vọng tự do”:

Thanh Thủy