Cơ quan chức năng Việt Nam và Indonesia phối hợp tiếp tục tìm kiếm ngư dân mất tích

Đối ngoại - Ngày đăng : 17:41, 14/05/2020

(HNMO) - Chiều 14-5, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức họp báo thường kỳ theo hình thức trực tuyến nhằm cung cấp thông tin và giải đáp các vấn đề báo chí trong và ngoài nước quan tâm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.

Liên quan đến vụ việc tàu cá Việt Nam bị chìm trong khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Theo thông tin của các cơ quan chức năng Việt Nam, ngày 20-4, tàu giám sát hải sản của Indonesia đã bắt giữ 2 tàu cá và 14 ngư dân trong vùng biển của Indonesia. Trong quá trình truy đuổi, một tàu cá của Việt Nam đã bị chìm và 4 ngư dân mất tích.

Sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã giao thiệp và trao công hàm cho đại diện Đại sứ quán Indonesia tại Hà Nội, đề nghị các cơ quan chức năng Indonesia tích cực tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân bị mất tích, đối xử nhân đạo với các ngư dân trên tàu bị bắt giữ, điều tra làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây ra vụ chìm tàu dẫn đến các thiệt hại về người và của của ngư dân Việt Nam, đề nghị phía Indonesia cẩn trọng, kiềm chế, xử lý các vụ việc tàu cá, ngư dân trên tinh thần nhân đạo.

Các lực lượng chức năng của hai nước tăng cường hợp tác trong việc chia sẻ thông tin, xử lý các vụ việc phát sinh, phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến ngư dân, tàu cá của Việt Nam trên tinh thần nhân đạo, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, quan hệ đối tác chiến lược và cùng là thành viên trong cộng đồng ASEAN.

Theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã giao thiệp với cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin, đồng thời tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết. Ngày 5-5 vừa qua, Đại sứ quán đã tiến hành thăm lãnh sự các ngư dân bị tạm giữ. Đại sứ quán cho biết, tình hình sức khỏe và tinh thần của các ngư dân đều ổn định. Các cơ quan chức năng hai nước hiện vẫn tiếp tục trao đổi về vấn đề này.

Trong những ngày qua, phía Indonesia cũng tích cực phối hợp với lực lượng chức năng của Việt Nam trong việc tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Hiện nay, đã tìm thấy tàu cá nhưng chưa tìm thấy các ngư dân. Việt Nam nhất quán chủ trương phát triển đánh bắt cá theo hướng bền vững, chú trọng bảo tồn, phát huy các nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường và hợp tác quốc tế, đồng thời cũng thường xuyên tuyên truyền, giáo dục ngư dân tôn trọng các quy định của Việt Nam, pháp luật quốc tế cũng như các cam kết quốc tế có liên quan”.

* Liên quan đến việc một số hình ảnh vệ tinh của ImageSat International của Israel cho thấy có máy bay KJ-500 & KQ-200 của Trung Quốc xuất hiện ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên tại các quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị. Trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, Việt Nam đề nghị các bên không có hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.

Trước những thông tin cho rằng có rất nhiều tàu Trung Quốc tập trung tại một số đá như Ba Đầu, Én Đất (thuộc quần đảo Trường Sa), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam luôn theo dõi sát các hoạt động trên Biển Đông và cho rằng hoạt động của các nước cần tuân thủ các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của các quốc gia ven biển, đóng góp vào hòa bình, an ninh và ổn định tại Biển Đông”.

Trước đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về cáo buộc nhóm tin tặc Việt Nam tấn công các trang mạng nước ngoài, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Đây là thông tin không có cơ sở. Việt Nam nghiêm cấm hành vi tấn công mạng nhằm vào các tổ chức và cá nhân dưới bất kỳ hình thức nào. Các hành vi tấn công, đe dọa an ninh mạng cần phải bị lên án và trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Năm 2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng và hiện nay đang hoàn thiện các văn bản pháp quy để thực thi luật, ngăn chặn các hành vi tấn công mạng. Việt Nam sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế trong phòng và đấu tranh với các hành vi tấn cộng mạng dưới mọi hình thức”.

Nguyễn Thúc