Di sản Hồ Chí Minh sống mãi với thời gian
Xã hội - Ngày đăng : 09:49, 15/05/2020
- Nhắc đến thương hiệu “Trẻ”, bạn đọc thường nghĩ đến những đầu sách trẻ trung. Điều gì đã thúc đẩy NXB Trẻ xây dựng bộ sách Di sản Hồ Chí Minh từ hơn hai mươi năm trước?
- Bạn đọc thường nghĩ sách của NXB Trẻ gắn với thanh, thiếu niên. Điều đó cũng đúng, nhưng chưa đủ.
“Trẻ” là tâm hồn và tư duy trẻ trung chứ không định nghĩa “trẻ” theo tuổi tác. Là NXB duy nhất trong cả nước là đơn vị trực thuộc Thành đoàn của địa phương nên chúng tôi luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm xuất bản những đầu sách giúp định hướng, giáo dục chính trị - lịch sử - truyền thống, cung cấp kiến thức và nuôi dưỡng tâm hồn cho thanh niên, thiếu niên. Điều đó thôi thúc chúng tôi luôn đưa chất Đoàn, chất trẻ vào các ấn phẩm về lịch sử, về truyền thống, về các anh hùng dân tộc... Năm 1999, nhân kỷ niệm 30 năm thực hiện Di chúc của Bác, chúng tôi đã xuất bản những ấn phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2006, để đáp ứng nhiệm vụ chính trị khi thực hiện Chỉ thị 06-CT/TƯ của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chúng tôi lập bộ sách Di sản Hồ Chí Minh nhằm giúp bạn đọc trẻ, các bạn đoàn viên thanh niên, các cán bộ, Đảng viên trẻ tiếp cận tư liệu gần như toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Cho đến nay, bộ sách gồm bao nhiêu tác phẩm, thưa ông? Ông có thể giới thiệu một vài nét về các tác phẩm đã xuất bản?
- Bộ sách Di sản Hồ Chí Minh là công trình tập hợp nhiều tư liệu, hình ảnh quý giá, phần nào khái quát được cuộc đời, hoạt động và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đến nay, bộ sách đã ra mắt 55 tác phẩm, với hơn 400.000 bản in, gần 65 triệu trang in.
Bộ sách đa dạng về thể loại (chính luận, nghiên cứu hoặc những câu chuyện kể đời thường), về đề tài (những câu chuyện mang tính đúc kết của Bác ở nhiều lĩnh vực như xây dựng Đảng, cán bộ, quân đội, ngoại giao, thanh - thiếu niên...), và về tác giả. Đặc biệt, có mấy loạt sách chính: Loạt sách do chính Bác Hồ viết (Sửa đổi lối làm việc; Đời sống mới; Lịch sử nước ta; Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân; Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh); loạt sách do các trí thức, những nhà lãnh đạo, những người thân cận Bác Hồ viết về Người (Những năm tháng không thể nào quên - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác Hồ viết di chúc - Vũ Kỳ, Vĩ đại một con người - Trần Văn Giàu, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch - Trần Dân Tiên...); loạt sách do các nhà báo, nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà sử học viết về Bác (Bác Hồ với các kỳ đại hội Đảng, Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam, Bác Hồ với Mặt trận Việt Minh do Tiến sĩ Hà Minh Hồng chủ biên; Hồ Chí Minh bàn về Đạo đức, Hồ Chí Minh bàn về Phong cách, Hồ Chí Minh bàn về Đảng, Hồ Chí Minh bàn về Cán bộ do PGS.TS Vũ Tình chủ biên; Di chúc của Bác Hồ - một giáo trình tiếng Việt độc đáo của nhà báo Dương Thành Truyền...).
- Theo ông, trong bộ sách Di sản Hồ Chí Minh, những tác phẩm nào phù hợp nhất với các độc giả trẻ?
- Tùy theo nhu cầu tìm hiểu mà bạn đọc sẽ chọn cho mình tác phẩm phù hợp. Bạn đọc trẻ có thể tìm đến những tác phẩm gần gũi như là học về cách làm việc hiệu quả của Bác qua cuốn Sửa đổi lối làm việc; nghe tác giả Vũ Kỳ - Thư ký của Bác kể lại chi tiết quá trình Bác viết Di chúc trong cuốn Bác Hồ viết di chúc; tìm hiểu tâm huyết của Bác dành cho cách mạng để rồi truyền niềm tin ấy cho thế hệ trẻ bằng ẩn dụ Tây Du ký qua cuốn Bác Hồ kể chuyện Tây Du ký. 14 câu chuyện nhỏ kể lại những bài học tâm đắc của mình trong quá trình học làm ngoại giao với Bác của tác giả Mai Văn Bộ - một trong những cán bộ ngoại giao đầu tiên của Việt Nam - trong cuốn Chúng tôi học làm ngoại giao với Bác Hồ; hay tác giả T. Lan ghi lại những mẩu chuyện cảm động về đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuốn Vừa đi đường vừa kể chuyện, do Người kể chuyện trên đường tham gia Chiến dịch Biên giới năm 1950; đặc biệt là hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Những năm tháng không thể nào quên - do nhà văn Hữu Mai thể hiện, giới thiệu hình ảnh của Bác trong những năm tháng không thể nào quên của thời kỳ đầu mới giành được chính quyền, lúc vận mệnh Tổ quốc như “ngàn cân treo sợi tóc”.
- Có những tác phẩm trong bộ sách Di sản Hồ Chí Minh đã được tái bản liên tục với số lượng bản in lớn. Theo ông, điều gì đã làm nên thành công này?
- Tôi nghĩ là do cách làm. Cùng một đề tài nhưng chúng tôi đã xác định hướng làm mới cả ở cách tổ chức nội dung lẫn hình thức. Chúng tôi tổ chức những bản thảo có độ dày vừa phải, biên tập sắc gọn, gia công hình ảnh nhưng vẫn bảo đảm chuyển tải trọn vẹn nội dung. Chúng tôi không ngừng thay đổi diện mạo bộ sách như đổi bìa, đa dạng hóa khổ sách. Chẳng hạn, 5 cuốn sách do chính Bác Hồ viết hiện được thiết kế khổ passport, đặt trong hộp trang trọng, in giấy đẹp, để độc giả đọc và cũng có thể dùng làm quà tặng cho các cá nhân, tổ chức, đoàn thể. Việc đa dạng hóa khổ sách hay đổi mới cách trình bày nhằm giúp bạn đọc dễ tiếp cận với sách, thuận tiện khi học tập, nghiên cứu về Bác... Đó là việc làm hữu ích để hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ngoài ra, bộ sách khổ nhỏ cũng gợi ký ức về câu chuyện người lính cất những tập sách nhỏ trong ba lô trên đường ra mặt trận, rồi mang ra đọc trong những lúc dừng chân...
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng làm phiên bản điện tử của bộ sách để phục vụ nhóm bạn đọc thích đọc sách trên các thiết bị điện tử. Tất cả đều đồng bộ, hợp với thời đại, hợp với đối tượng bạn đọc ngày nay, nhưng vẫn bảo đảm chuyển tải đầy đủ nội dung.
Dịp kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2011), chúng tôi phối hợp với Hãng phim TFS, Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh chuyển thể kịch bản phóng sự truyền hình nhiều tập Hành trình theo chân Bác của tác giả Trần Đức Tuấn thành cuốn sách cùng tên. Đến năm 2016, chúng tôi bổ sung QR Code chứa các video clip trích từ 89 tập ký sự tài liệu cùng tên của Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, giúp độc giả có thể xem các phim có liên quan bằng smartphone. Chúng tôi từng phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh tái bản có bổ sung cuốn sách ảnh - tư liệu: Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ (in bìa cứng, khổ lớn), coi đó như tình cảm biết ơn của tuổi trẻ thành phố mang tên Bác đối với Người...
- Đã hơn 20 năm kể từ khi bộ sách bắt đầu “khởi động”, chặng đường sắp tới của bộ sách Di sản Hồ Chí Minh được NXB Trẻ hoạch định như thế nào, thưa ông?
- Năm 2019, kỷ niệm 20 năm bộ sách Di sản Hồ Chí Minh, chúng tôi đã làm mới cách trình bày nội dung và bìa. Hiện tại chúng tôi đang làm việc với những trí thức tâm huyết để tiếp tục cho ra đời những tác phẩm mới, khai thác những khía cạnh liên quan nhiều đến thanh niên, thiếu niên, đến công tác cán bộ, xây dựng Đảng... Đặc biệt, chúng tôi đang phát triển theo hướng thiết kế nội dung ngắn ngọn, súc tích với những đoạn trích, lời phát biểu của Bác theo từng chủ đề khác nhau. Mỗi năm chúng tôi đều cố gắng bổ sung những tựa mới cho bộ sách thêm phong phú, phù hợp với lớp bạn đọc kế cận, để bộ sách sống mãi với thời gian.
Điều vui mừng là tại các nhà sách hiện có rất nhiều sách do Bác Hồ viết và sách viết về Bác Hồ. Mỗi NXB đều chọn cách thể hiện và giới thiệu riêng. Với bộ sách Di sản Hồ Chí Minh - thể hiện tâm huyết của nhiều thế hệ làm sách NXB Trẻ, bạn đọc sẽ thấy tư tưởng của Bác, đạo đức của Bác, phong cách của Bác như mới ngày hôm qua. Những bài học của Bác và từ Bác luôn tươi mới, hợp thời đại, và hữu ích trong mọi khía cạnh của công việc và cuộc sống.
- Trân trọng cảm ơn ông!