Phòng, chống thiên tai: An toàn tính mạng và tài sản của người dân là nhiệm vụ cao nhất
Đời sống - Ngày đăng : 18:56, 15/05/2020
Đồng chủ trì hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cùng đại diện các bộ, ngành của trung ương và một số tổ chức quốc tế liên quan tại Việt Nam…
Tại điểm cầu thành phố Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Nguyễn Văn Sửu cùng các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố...
Theo Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, năm 2019, tình hình thiên tai tại Việt Nam không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường đã làm 133 người chết và mất tích; 1.319 ngôi nhà bị đổ, cuốn trôi, 40.276 ngôi nhà bị hư hỏng và phải di dời; hơn 100.000ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 24.000ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị gãy, đổ... Tổng giá trị thiệt hại về kinh tế là hơn 7.000 tỷ đồng.
Bước sang năm 2020, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường. Tính đến ngày 30-4, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích, hơn 44.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; hơn 100.000ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng..., gây tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng.
Đánh giá về công tác phòng, chống thiên tai năm 2019 và 4 tháng đầu năm 2020, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, so với những năm trước đây, tổn thất do thiên tai gây ra đã giảm nhiều. Có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; nhân dân tích cực tham gia và đã chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai...
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, trên Biển Đông xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 5-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đặc biệt, sau các đợt hạn hán kỷ lục, các đợt mưa đặc biệt lớn có thể sẽ xảy ra.
Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, đại diện các tỉnh: Yên Bái, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Bến Tre… đề xuất Chính phủ nhiều giải pháp; trong đó, chú trọng đầu tư trang bị hệ thống thiết bị quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cho các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc; đầu tư, trang bị bổ sung các phương tiện, thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai cho các lực lượng chuyên trách; đào tạo tập huấn và bổ sung trang thiết bị cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở; hỗ trợ kinh phí xử lý khẩn cấp sạt lở đê, bờ sông, suối và di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất...
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân trong công tác phòng, chống thiên tai.
“Kết quả nổi bật là chúng ta đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Khi xảy ra thiên tai, các cấp, các ngành đã nhất quán chủ trương không để ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng đánh giá.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt còn hạn chế trong công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua, như: Một số bộ, ngành, địa phương chưa chú trọng việc lồng ghép công tác phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến rủi ro có nguy cơ gia tăng; phương tiện cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế…
Nhận định thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân coi công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên; trong đó, tập trung nghiên cứu, quán triệt, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai...
Với mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân là nhiệm vụ cao nhất, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhóm giải pháp: Khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; rà soát, cập nhật, hoàn thiện kịch bản phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực, sẵn sàng ứng phó kịp thời các tình huống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; đầu tư nâng cao khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng trước thiên tai, đặc biệt là hệ thống đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền vào trú tránh bão…