Xem xét thông qua 5 cơ chế, chính sách liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19

Chính trị - Ngày đăng : 08:47, 15/05/2020

(HNMO) - Sáng 15-5, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV đã tổ chức kỳ họp thứ mười bốn (kỳ họp không thường kỳ) để xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Quang cảnh kỳ họp thứ mười bốn, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV.

Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, UBND thành phố và đại diện lãnh đạo các sở, ngành.

Thông qua 5 cơ chế, chính sách liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu khai mạc kỳ họp

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, thời gian vừa qua, tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, gây tổn thất lớn về sinh mạng con người và gây khủng hoảng kinh tế nặng nề trên toàn thế giới. Trong bối cảnh chung đó, Thủ đô Hà Nội cùng với các địa phương trong cả nước đã triển khai nghiêm túc các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ; tập trung lãnh đạo thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân Thủ đô. Đặc biệt, thành phố đã kiểm soát tốt được dịch bệnh. Có được kết quả đó là do sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của UBND thành phố, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chấp hành nghiêm túc của người dân.

Thành phố cũng đã ưu tiên dành nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, như: Bảo đảm cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho nhân dân; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men y tế, trang bị phòng hộ, nhân lực cho việc dự phòng, cách ly, điều trị. Thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các đối tượng người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, thành phố đã chi 505 tỷ đồng từ ngân sách thành phố hỗ trợ cho các đối tượng...

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung và các đại biểu dự kỳ họp.

Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố đã vận động các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân cùng tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch số tiền lên đến trên 170 tỷ đồng; các cán bộ, công chức, viên chức thành phố dành một ngày lương để ủng hộ công tác phòng, chống dịch với số tiền gần 56 tỷ đồng; đã tổ chức hỗ trợ cho các đối tượng đang thực hiện cách ly tại các địa phương, các lực lượng công an, quân đội, y sĩ, bác sĩ, cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, các bệnh nhân, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 số tiền trên 30 tỷ đồng và các hàng hóa thiết yếu khác. Những kết quả trong phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố được cử tri, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, là địa phương có số ca nhiễm, số người bị cách ly y tế nhiều nhất cả nước, toàn thành phố đã tổ chức cách ly gần 8 nghìn người tại 13 khu cách ly tập trung và các khách sạn và hơn 71 nghìn người cách ly tại cộng đồng, điều trị và cách ly tập trung tại các bệnh viện; có 3 ổ dịch cần phải cách ly với số lượng người dân lớn…

Để phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, thành phố đã huy động sự tham gia của các lực lượng quân đội, công an, y tế, cán bộ thôn tổ dân phố. Trong đó một số đối tượng trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch mà thành phố huy động đã được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29-3-2020 của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19, nhưng cũng còn một số đối tượng chưa được hưởng hỗ trợ do các lực lượng tham gia chống dịch của thành phố được huy động với phạm vi rộng hơn theo quy định của Trung ương.

Việc quy định bổ sung chế độ chi cho các đối tượng này là cần thiết để động viên, hỗ trợ kịp thời các lực lượng đã, đang và sẽ được huy động chống dịch, cũng như chịu ảnh hưởng của dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Vì vậy, tại kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ xem xét thông qua 5 cơ chế, chính sách liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 gồm: Quy định chính sách hỗ trợ trả kết quả cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020 ứng phó với dịch bệnh Covid-19; quy định cơ chế đặc thù về nguồn kinh phí thực hiện dạy học trên truyền hình; quy định nội dung và mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19; quy định nội dung và mức hỗ trợ tiền thuê nhà đối với sinh viên, công nhân, các hộ gia đình, cá nhân hỗ trợ gia đình thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19; quy định cơ chế đặc thù hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi hoạt động thường xuyên bị suy giảm nguồn thu, không bảo đảm tự chủ chi thường xuyên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, tiếp tục tinh thần thực hiện hiệu quả "nhiệm vụ kép” - vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, HĐND sẽ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư 10 dự án sử dụng ngân sách thành phố; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch trung hạn 2016-2020 và điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách thành phố (đợt 1) năm 2020.

Đây là những dự án có tổng mức đầu tư lớn, mang tính chất quan trọng để xây dựng hạ tầng kinh tế, giao thông, thủy lợi, phát triển giáo dục, đào tạo, có tác động lớn đến thúc đẩy kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống dân sinh. Do vậy, các nội dung quyết nghị về chủ trương đầu tư, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn lần này đều được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, đúng quy trình, quy định của pháp luật và bảo đảm tính khả thi.

“Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Chống dịch như chống giặc” và chúng ta đã chiến thắng bước đầu, thì giờ đây, tinh thần “Chống trì trệ như chống dịch”, thành phố chúng ta càng phải gương mẫu, đi đầu, thúc đẩy duy trì phát triển kinh tế tăng trưởng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chăm lo an sinh xã hội. Với nội dung quan trọng, mang tính cấp thiết, kịp thời của kỳ họp, tôi trân trọng đề nghị các cấp, các ngành, các vị đại biểu HĐND thành phố tiếp tục hiến kế, đóng góp tâm sức, xây dựng nghị  quyết HĐND thật thiết thực, khả thi, sớm đi vào cuộc sống”, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

406 tỷ đồng chi hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19

Với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố Hà Nội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc quy định một số cơ chế, nội dung, mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố Hà Nội.

Theo đó, chế độ cho các đối tượng là người bị cách ly tại khu vực phong tỏa cách ly do Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 các cấp ra quyết định, gồm chi hỗ trợ tiền ăn tối đa 100.000 đồng/người/ngày.

Chi bồi dưỡng đối với người tham gia trực y tế, bảo vệ khu cách ly, hỗ trợ thực hiện bảo vệ an ninh trật tự và hỗ trợ người dân tại khu vực cách ly theo thời gian thực tế phân công là 150.000 đồng/người/ngày.

Chi bồi dưỡng cho lực lượng tham gia các chốt kiểm soát, giám sát việc cách ly xã hội tại các cửa ngõ ra, vào Thủ đô; các tuyến đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, địa bàn, khu vực giáp ranh gồm 150.000 đồng/người/ngày và hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày.

Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết tại kỳ họp

Chi hỗ trợ tiền thuê nhà đối với sinh viên, công nhân, các hộ gia đình, cá nhân thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 gồm hỗ trợ 50% tiền thuê nhà thực tế.

Chi hỗ trợ từ ngân sách để thực hiện dạy học trên truyền hình trong thời gian chống dịch Covid-19: Đối với giáo viên thuộc cơ sở giáo dục công lập sẽ bằng số kinh phí thanh toán cho số giờ dạy thêm theo quy định hiện hành; đối với giáo viên thuộc cơ sở giáo dục ngoài công lập, giáo viên là 160.000 đồng/giờ dạy, trợ giảng là 140.000 đồng/giờ dạy.

Chi hỗ trợ trả kết quả cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020 ứng phó với dịch Covid-19 theo giá cước thực tế của Chi nhánh Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - Bưu điện thành phố Hà Nội.

Chi hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi hoạt động thường xuyên bị suy giảm nguồn thu, không bảo đảm tự chủ chi thường xuyên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bằng số chênh lệch thu - chi hoạt động thường xuyên của đơn vị thực hiện năm 2020 (không bao gồm các khoản chi trích lập các quỹ, chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động), tối đa không quá quỹ tiền lương của đơn vị.

Tổng chi hỗ trợ cho phòng, chống dịch Covid-19 là 406 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố 351 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện là 55 tỷ đồng. Đây là số tiền cao hơn mức đề xuất của UBND thành phố trước đó là 332 tỷ đồng.

Phê duyệt chủ trương đầu tư 6 dự án mới, điều chỉnh đầu tư 4 dự án đang triển khai

100% đại biểu HĐND thành phố có mặt cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội.

Theo đó, phê duyệt chủ trương đầu tư 6 dự án mới nhóm C sử dụng vốn đầu tư công của thành phố với tổng mức đầu tư dự kiến gần 34,64 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 4 dự án (3 dự án nhóm B và 1 dự án nhóm C) sử dụng vốn đầu tư công của thành phố với tổng mức đầu tư dự kiến gần 713,3 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền trình bày báo cáo tại kỳ họp

Theo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội, 6 dự án nhóm C mới dự kiến triển khai trong giai đoạn năm 2021-2022 đều là những dự án nhằm xây dựng cầu vượt cho người đi bộ trong nội đô, phục vụ nhu cầu dân sinh, bảo đảm an toàn giao thông của thành phố.

Bốn dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư là những dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông và lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật. Cả 4 dự án đều đã được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, được ngân sách thành phố bố trí kế hoạch vốn và đang trong quá trình thực hiện dự án. Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án là cần thiết, phù hợp với tình hình biến động thực tế, bảo đảm đáp ứng đủ các hạng mục, công việc cần thiết phát sinh, nâng cao hiệu quả đầu tư, cũng như bảo đảm tránh trùng lặp với các nội dung được doanh nghiệp tự nguyện đầu tư, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh nhằm bảo đảm thực hiện các hạng mục bổ sung phát sinh, phù hợp với điều kiện thực tế triển khai dự án.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà điều hành phần thảo luận.

Điều chỉnh kế hoạch đầu tư thực hiện một số dự án

Tại kỳ họp, 100% đại biểu có mặt cũng đã tán thành, biểu quyết thông qua Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách thành phố năm 2020 (đợt 1).

Theo đó, đồng ý điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2020 gồm hơn 2.112,5 tỷ đồng (chi đầu tư xây dựng cơ bản tập trung cấp thành phố giảm 28 dự án, chi đầu tư dự án chương trình mục tiêu thành phố giảm 1 dự án); đồng ý điều chỉnh tăng kế hoạch vốn năm 2020 với số vốn 2.112,5 tỷ đồng (chi đầu tư xây dựng cơ bản tập trung cho 18 dự án đê điều cấp bách, bức xúc dân sinh và đầu tư cho 19 dự án nằm trong nhóm dự án đã bố trí kế hoạch vốn năm 2018 bị hủy kế hoạch năm 2018 kéo dài sang năm 2019 không giải ngân hết, các dự án đủ điều kiện bố trí vốn, có tiến độ giải ngân tốt). Như vậy, với phương án điều chỉnh này, dự án hoàn thành năm 2020 sẽ tăng thêm 42 dự án so với kế hoạch năm 2020 đã giao. 

Giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện các nghị quyết

Sau buổi sáng làm việc khẩn trương, kỳ họp thứ mười bốn, HĐND thành phố khóa XV đã hoàn thành các nội dung đề ra.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, thời gian qua, Thường trực Thành ủy rất quan tâm, yêu cầu HĐND, UBND thành phố rà soát tất cả các đối tượng có thể bị tác động do dịch Covid-19 mà chưa được nhận chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, để đề xuất chính sách hỗ trợ kịp thời trong điều kiện của thành phố, đồng thời thể chế hóa bằng Nghị quyết của HĐND thành phố.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thành ủy và thể hiện sự quyết tâm của thành phố, HĐND thành phố đã thể chế hóa các quy định của Trung ương và từ thực tế trong công tác phòng, chống dịch ở địa phương bằng việc xem xét, thông qua Nghị quyết về cơ chế, nội dung, mức chi đặc thù phục vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả do dịch Covid-19 thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố.

HĐND thành phố cũng đã thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư 4 dự án sử dụng ngân sách thành phố; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch trung hạn 2016-2020; điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách thành phố (đợt 1) năm 2020. Đây là những nội dung hết sức quan trọng, thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, một mặt vừa phòng, chống dịch, mặt khác vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết HĐND vừa ban hành, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội đề nghị UBND thành phố tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện ngay các nghị quyết đã được kỳ họp thông qua, đặc biệt là Nghị quyết về cơ chế, nội dung, mức chi đặc thù phục vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả do dịch Covid-19 gây ra.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu bế mạc kỳ họp.

“Đây là nghị quyết mang tính cấp bách với số người thụ hưởng rất lớn. Dự kiến khi thực hiện các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết của HĐND, số người được hưởng lên đến gần 70 nghìn người (chưa kể số lao động trong các cơ sở công lập tự chủ khi thực hiện chính sách này) và trên 80 nghìn doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng; số kinh phí dự toán lên tới hơn 400 tỷ đồng từ ngân sách thành phố và quận, huyện.

Vì vậy, UBND thành phố cần tập trung chỉ đạo bố trí kinh phí hỗ trợ sớm đến được với các tổ chức, cá nhân thuộc các đối tượng được hưởng, bảo đảm minh bạch, công khai, kịp thời, đúng người, đúng đối tượng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ngay tại cơ sở, không để xảy ra hiện tượng tiêu cực, trục lợi chính sách, phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ của thành phố”, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Chủ tịch HĐND thành phố cũng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành tiếp tục rà soát để có chính sách hỗ trợ kịp thời các đối tượng, góp phần giảm thiểu khó khăn, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn Thủ đô.

Bên cạnh thực hiện hỗ trợ các đối tượng, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đề nghị UBND thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế với các kịch bản cụ thể cho từng giai đoạn và biện pháp thích hợp; hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động; khuyến khích, thúc đẩy phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ, đẩy nhanh đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân, coi đây là giải pháp quan trọng phát triển kinh tế, nhanh chóng khắc phục các ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thời gian tới, Thường trực HĐND thành phố, các ban HĐND, tổ đại biểu HĐND thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND thành phố.

Thay mặt HĐND thành phố, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc trân trọng cảm ơn nhân dân Thủ đô, thời gian qua đã đồng hành cùng chính quyền thành phố trong phòng, chống dịch Covid-19; nghiêm túc thực hiện các yêu cầu của các cơ quan chuyên môn.

Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của các cơ quan chuyên môn về phòng, chống dịch, đồng thời tổ chức lại các hoạt động, nhằm khắc phục khó khăn do dịch gây ra, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và giám sát chặt chẽ các cơ chế, chính sách mà Chính phủ và thành phố dành cho việc phòng, chống dịch Covid-19. 

HĐND thành phố biểu dương, bày tỏ biết ơn đối với các lực lượng y, bác sĩ, người lao động trong ngành Y tế, quân đội, công an và đại biểu HĐND trên các lĩnh vực, trong thời gian qua luôn có mặt ở tuyến đầu phòng, chống dịch, người dân Hà Nội yên tâm ở nhà phòng tránh dịch. HĐND thành phố cũng biểu dương Ban Chỉ đạo công tác Phòng, chống dịch Covid-19 thành phố, đứng đầu là đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, đã rất nỗ lực, trách nhiệm, kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp trong phòng, chống dịch, tạo niềm tin cho người dân và được cử tri ghi nhận, đánh giá cao...

Vũ Thủy - Ảnh: Viết Thành