Dành gần 272 nghìn tỷ đồng cho phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
Chính trị - Ngày đăng : 16:43, 15/05/2020
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được thiết kế thành 10 dự án. Dự kiến, tổng nguồn vốn chương trình là 271.935,65 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021-2025 là 137.664,95 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 134.270,70 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2021-2025, ngân sách trung ương dành 104.954,01 tỷ đồng để thực hiện chương trình này.
Chương trình sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển nhanh, bền vững; tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn cơ hơn một số bức xúc của người dân tộc thiểu số. Chương trình sẽ đạt được đa mục tiêu về kinh tế - xã hội; quốc phòng - an ninh; đối ngoại; bảo vệ môi trường, sinh thái và đa dạng sinh học; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; là yếu tố đặc biệt quan trọng để củng cố và nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước; tăng cường đồng thuận xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực chuẩn bị của Chính phủ để hoàn thiện nội dung đề xuất chủ trương đầu tư chương trình. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng nhiều nội dung mục tiêu chưa được cụ thể hóa với đặc điểm tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, nội dung chương trình phải bảo đảm phù hợp với văn hóa và môi trường sống của các dân tộc. Về vấn đề giáo dục, ông Phan Thanh Bình cho rằng, cần tránh gom học sinh nhiều địa bàn vào một cơ sở mà phải nỗ lực để các điểm trường phải bám làng, bám bản, bên cạnh việc tăng cường đào tạo giáo viên tại chỗ là người dân tộc.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm, khi thực hiện chương trình, những dự án cũ có được giữ lại không, hay lại xảy ra tình trạng “đập đi làm mới”, do đó phải có sự kế thừa những dự án, chương trình đã thực hiện trước đây. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, việc thực hiện chương trình cần đồng bộ, đa dạng hóa nguồn lực theo hướng xã hội hóa để thực hiện chương trình, trong đó cần kêu gọi doanh nghiệp tham gia thực hiện. Về trách nhiệm thực hiện, ông Nguyễn Đức Hải cho rằng, không chỉ bàn giao công trình là xong, mà phải duy tu, bảo dưỡng để các công trình, hạ tầng được sử dụng bền vững, lâu dài.
Kết luận vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chương trình đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ chín. Đồng chí Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra khẩn trương tiếp thu, bổ sung một số nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.